Lấy người dân làm trung tâm trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thiều Chiên

 Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2017 theo Quyết định số 619/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Qua năm năm thực hiện, công tác này ngày càng đi vào nề nếp, giúp cán bộ và nhân dân được tiếp cận pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở. Từ ngày 01/01/2022, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Theo đó công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải tuân thủ ba nguyên tắc được quy định tại Điều 2 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Trong đó có nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây là nguyên tắc mới, khẳng định việc đặt ra các tiêu chí và đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã, phường, thị trấn nhằm hướng tới sự phục vụ người dân, coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Mục tiêu của xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhằm thúc đẩy tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, hướng tới môi trường pháp lý tiến bộ tại cấp cơ sở, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, người dân được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Qua đó bảo đảm tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Xuất phát từ mục tiêu này, công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đảm bảo lấy người dân làm trung tâm. Nguyên tắc này được thể hiện rõ nét trong từng tiêu chí, chỉ tiêu và quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Các tiêu chí, chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là công cụ đo lường mức độ hoàn thành trách nhiệm được giao của chính quyền cấp xã trong tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở cơ sở. Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, có 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 16 chỉ tiêu được kế thừa và bổ sung 04 chỉ tiêu mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bộ tiêu chí đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân như: quyền được tiếp cận thông tin, quyền được phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền được trợ giúp pháp lý, quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, quyền được bàn, quyết định, biểu quyết, tham gia ý kiến về các nội dung theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở… Cùng với đó là trách nhiệm của chính quyền trong việc đảm bảo các điều kiện để người dân thực hiện các quyền này như: trách nhiệm công khai, cung cấp thông tin, giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại với nhân dân, trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở…

Nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm không chỉ thể hiện trong tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng mà còn thể hiện trong quy trình đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo quy định của Bộ Tiêu chí ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP, đối với nội dung xây dựng hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở phải có từ 80% trở lên ý kiến của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện các thôn, tổ dân phố xác nhận mô hình đó hiệu quả. Đồng thời tại cuộc họp của UBND xã để xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngoài các thành phần của UBND xã còn phải có sự tham gia của nhóm các chủ thể nêu trên. Điều này cho thấy trong các bước đánh giá tại cấp xã, Thông tư 09/2021/TT-BTP đặc biệt chú trọng sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đại diện cho người dân ở cơ sở. Bên cạnh đó trong trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP thì dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu phải được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã, đăng tải trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử hoặc thông báo trên Đài truyền thanh cấp xã (nếu có) để Nhân được biết và tham gia ý kiến. UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, khách quan ý kiến của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có) về Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và các vấn đề khác liên quan đến việc chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Từ kết quả đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, chính quyền cấp xã sẽ có điều kiện nhận diện tổng thể, toàn diện, kịp thời những mặt được, mặt còn hạn chế, khó khăn trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Đây là cơ sở giúp chính quyền cấp xã có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời, phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong hoạt động của chính quyền cấp xã; thúc đẩy thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Lấy người dân làm trung tâm trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nguyên tắc quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo mục đích, ý nghĩa của công tác này, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN