Một số bất cập của các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thời gian qua, các cơ quan Trung ương đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tương đối đầy đủ, giúp cho công tác xử phạt vi phạm hành chính ngày càng đi vào nề nếp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, áp dụng các quy định đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh, dẫn đến việc chuyển hồ sơ lên cấp trên, công tác xử phạt vi phạm hành chính mất nhiều thời gian, tiềm ẩn vi phạm vẫn tồn tại và tiếp tục phát sinh thêm nếu không kịp thời xử lý.

1. Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho khá nhiều chủ thể khác nhau gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; người có thẩm quyền của Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan... Việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho nhiều đối tượng khác nhau thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng chống đối với hành vi vi phạm phổ biến này. Tuy nhiên, khả năng thực hiện thẩm quyền xử phạt của một số chức danh trong thực tiễn bị hạn chế nhiều. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tùy từng trường hợp cụ thể. Các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này gồm: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu căn cứ vào mức tiền phạt thì một số chức danh như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể xử phạt đối với các vi phạm tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP vì các hành vi này có mức phạt cao nhất của khung là 5.000.000 đồng trở xuống. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại” mà không có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nên không thể xử phạt đối với hành vi này. Điều này làm cho việc xử phạt bị tồn đọng vì phải chuyển lên cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Bất cập này cũng thể hiện đối với một số chức danh khác thuộc lực lượng Công an nhân dân (như Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng các phòng nghiệp vụ...), lực lượng hải quan (như Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan)...

2. Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Tuy vậy, hiện nay các quy định của pháp luật về đất đai không quy định cụ thể biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương. Trong khi tại Nghị định số 91/2019/NĐCP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm” mà không có quyền “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” khi xử phạt các hành vi vi phạm về đất đai, nên trong mọi vi phạm về lấn, chiếm đất không phụ thuộc vào diện tích, không phải thu hồi đất mà chỉ buộc người đang lấn đất trả lại đất cho người sử dụng đất đều phải chuyển đến Chủ tịch UBND cấp huyện để xử phạt nên rất khó trong việc thực hiện quyền của người có thẩm quyền ở cơ sở. Thực tiễn thi hành cho thấy nhiều vụ việc đơn giản, vi phạm nhỏ, về mức phạt tiền vẫn thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã (từ 5.000.000 đồng trở xuống)[1], cơ quan có thẩm quyền ngay khi phát hiện đã kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm nên thực tế không phát sinh số lợi bất hợp pháp, nhưng theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP khi xử phạt về hành vi vi phạm vẫn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên và phải chuyển hồ sơ lên chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý.

3. Về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Theo quy định tại khoản Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì hành vi đánh bạc trái phép bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hành vi này bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 7. Theo quy định tại khoản 4 Điều 69 thì Trưởng Công an cấp huyện không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm" nên không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đánh bạc trái phép. Thực tế hành vi này diễn ra với số lượng rất lớn, vì vậy việc chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt sẽ gây áp lực cho các cơ quan cấp trên, khó khăn cho các đơn vị.

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng tăng thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt để tạo thuận lợi trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.

Thanh Hoa



[1] Điểm a khoản 1 từ Điều 9 đến Điều 12 và điểm a, b khoản 1 Điều 13, 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

 TIN TỨC LIÊN QUAN