Một số chồng chéo, vướng mắc trong quy định tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, ngoài Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì một số văn bản chuyên ngành cũng có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số chồng chéo, vướng mắc cụ thể:

- Về thẩm quyền  sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành

Theo quy định tại khoản 2, khoản 6 Điều 21 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, hiện nay thẩm quyền này thuộc Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 9 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP; điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).

Trong nội dung chuyển tiếp tại điểm d khoản 8 Điều 16 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP chỉ quy định “Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực đã được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động” mà không có nội dung chuyển tiếp đối với trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành đã được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

- Thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở

Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP quy định sở có nhiệm vụ trình UBND tỉnh "Dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở".

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Chủ tịch UBND tỉnh có mà không phải là UBND tỉnh.

            - Về thẩm quyền ban hành danh mục sự nghiệp công

Điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: Cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương”

Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định:

"Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách địa phương. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công điều chỉnh, bổ sung mới được thực hiện theo các quy định tại Nghị định này".

- Về ban hành định mức kinh tế kỹ thuật

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì HDND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm, dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì “Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành” Khoản 2 Điều 37 quy định UBND tỉnh “Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ”.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ bản chưa ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật, vì đây là nhiệm vụ khó, năng lực của cán bộ làm công tác này còn hạn chế, trong khi đó quy định hướng dẫn cụ thể về cách thức xây dựng định mức chưa rõ ràng nên nhiều cơ quan chưa tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan mình để áp dụng.

Để giải quyết bài toàn áp dụng văn bản trong trường hợp có mâu thuẫn, chồng chéo, khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL đã có quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp áp dụng theo văn bản ban hành trước sẽ phù hợp hơn, ngoài ra cũng có trường hợp hai cơ quan khác nhau quy định khác nhau về một vấn đề hoặc một cơ quan ban hành hai văn bản cùng thời điểm nhưng lại quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì Luật Ban hành văn bản QPPL chưa có điều chỉnh.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ ngành trung ương tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định vướng mắc, bất cập nêu trên nhằm đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho cho đối tượng trong quá trình thực hiện, áp dụng văn bản./.

Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN