Một số giải pháp nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng

Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ công lý, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, từng bước tạo được uy tín và niềm tin của người dân.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý tại phiên tòa

Xác định nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trong tố tụng là trọng tâm, then chốt nên ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã phân công viên chức phụ trách địa bàn, bám nắm tình hình phối hợp, nhu cầu về trợ giúp pháp lý; tăng cường trao đổi, phối hợp với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; cử người thực hiện TGPL tham gia bào chữa, bảo vệ kịp thời. Vì vậy, số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao. Sáu tháng đầu năm 2023, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia tố tụng 191 vụ việc. Các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã hoàn thành 96/191 vụ việc tham gia tố tụng (trong đó có 74/96 vụ việc đạt tiêu chí thành công, hiệu quả, đạt tỷ lệ 77% trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành), các vụ việc đang thực hiện đều thuộc trường hợp mới được thụ lý, có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Trong nhiều vụ án hình sự, các ý kiến tranh tụng và đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã được Tòa án chấp nhận xem xét giảm hình phạt tù, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình, góp phần bảo đảm tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phối hợp thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật chưa chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động TGPL nói chung và TGPL trong tố tụng nói riêng; Biên chế ít, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh phí cấp cho công tác TGPL còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, ...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng kết hợp giữa tự học, tự nghiên cứu hoàn thiện mình với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý hằng năm và dài hạn. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng tham gia tố tụng và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù, thực hiện trợ giúp pháp lý trên từng lĩnh vực cụ thể.

Hai là, tăng cường phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan khác có liên quan

Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan khác có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, ...) để phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; Chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Tăng cường vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong việc triển khai các quy định về phối hợp TGPL trong tố tụng.

Ba là, thực hiện tốt chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý do Bộ Tư pháp giao

Hàng năm, Bộ Tư pháp ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý. Qua đó, các Trợ giúp viên pháp lý tích cực, chủ động, cố gắng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công, khẳng định được năng lực của mình cũng như góp phần ghi nhận vai trò, vị thế của hoạt động TGPL trong đời sống xã hội.

Bốn là, tăng cường công tác thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng

Tăng cường đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL để xác định những vụ việc thành công, xác định những người thực hiện TGPL có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao cũng như nhiều kinh nghiệm, có thể giải quyết thành công các vụ việc phức tạp,... Đề cao cơ chế lấy ý kiến các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Huy động đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư, … có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.

Năm là, tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong tố tụng, bổ sung các nguồn lực cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

Kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình hoặc có đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Tiếp tục bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để thực hiện tốt các nhiệm vụ trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng./.

                                                                               Phan Huyền

 TIN TỨC LIÊN QUAN