Một số giải pháp tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên trong lĩnh vực Trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách quan trọng của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý của những nhóm yếu thế trong xã hội, như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số... Để nâng cao hiệu quả công tác này, việc tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên trong lĩnh vực TGPL là hết sức cần thiết.
Trong thời gian qua, TGPL đã trở thành một trong những chỗ dựa cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế trong xã hội khi phải đối diện với các vướng mắc, tranh chấp pháp lý. Hơn nữa, trình độ dân trí nói chung và trình độ pháp lý nói riêng của người dân nước ta còn chưa cao và không đồng đều, nhu cầu TGPL của các đối tượng thuộc diện TGPL là rất lớn. Mặt khác, tính chất các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng diễn biến phức tạp nên càng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng chính sách này. Hiện nay, số lượng vụ án TGPL được xét xử trên toàn quốc vẫn còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, đặc biệt là số lượng vụ việc tham gia tố tụng. Từ khi triển khai Luật TGPL năm 2017, với 14 diện người được quy định thì số lượng người thuộc diện được TGPL chiếm khoảng 45% dân số. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 501.423 người thuộc diện được TGPL chiếm 37,77% dân số trên địa bàn tỉnh, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL tham gia tố tụng 763 vụ việc (Trung bình mỗi năm thực hiện 254 vụ việc, tăng gấp 1,5 lần so với trung bình hàng năm của giai đoạn 2016-2021), bộ máy hoạt động của Trung tâm bao gồm Ban Giám đốc, 01 phòng Hành chính - Tổng hợp, 01 phòng Nghiệp vụ, với tổng số 16/17 biên chế được giao. Đội ngũ viên chức của Trung tâm đều còn trẻ, tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản, có năng lực thực tiễn, thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, các hoạt động tố tụng, được bố trí số người làm việc theo Đề án vị trí việc làm. Năm 2024, 100% Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đạt chỉ tiêu về vụ việc tham gia tố tụng theo quy định của Bộ Tư pháp, trong đó: Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt chiếm 50% tổng số Trợ giúp viên pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định của pháp luật; chất lượng vụ việc TGPL không ngừng được cải thiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được TGPL theo quy định của pháp luật; nhiều vụ việc các ý kiến tranh tụng cũng như các đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý đã được Tòa án chấp nhận xem xét giảm hình phạt tù, được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ trong các vụ án hình sự và bảo vệ thành công quyền lợi hợp pháp trong các vụ án dân sự, bảo đảm được tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, có 07 vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành Quyết định đình chỉ vụ án, nhiều vụ việc với sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý người bị buộc tội được tuyên mức án thấp hơn hoặc bằng mức thấp nhất theo đề nghị của Viện Kiểm sát…
Bên cạnh một số kết quả đạt được, Trung tâm TGPL Nhà nước gặp một số khó khăn như:
Chế độ đãi ngộ của viên chức Trung tâm TGPL Nhà nước thấp hơn so với công chức (không có phụ cấp công vụ). Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước là đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu, nên không có kinh phí để tăng thu nhập cho viên chức, vì vậy chưa động viên, khuyến khích được viên chức Trung tâm.
Theo quy định của Luật TGPL 2017, người thuộc diện được TGPL được mở rộng, dẫn đến diện người được TGPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có số lượng lớn (năm 2025 theo thống kê rà soát người thuộc diện được TGPL chiếm 37,77% dân số trên địa bàn tỉnh), nhu cầu TGPL ngày càng tăng nhưng nguồn nhân lực tại chỗ thực hiện TGPL mỏng chỉ có 16 viên chức (trong đó có 10 Trợ giúp viên pháp lý), không có Chi nhánh TGPL tại các huyện, mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trung bình khoảng 37 vụ việc tư vấn, tố tụng/năm, một số vụ việc tham gia tư vấn, tố tụng có tính chất phức tạp phải trải qua nhiều cấp xét xử, giải quyết nên khó khăn trong việc sắp xếp thời gian của Trợ giúp viên pháp lý.
Chất lượng đào tạo chưa đồng đều, các chương trình đào tạo TGPL chưa đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống pháp luật. Việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng tranh tụng, tư vấn và hòa giải chưa được tổ chức thường xuyên, dẫn đến năng lực chuyên môn của một số Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế.
Hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, Mặc dù công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động pháp lý, nhưng việc ứng dụng công nghệ vào TGPL còn chưa phổ biến. Thiếu hụt hệ thống cơ sở dữ liệu chung để hỗ trợ quản lý và theo dõi hoạt động TGPL, dẫn đến việc xử lý vụ việc chưa kịp thời.
Việc phát triển các cơ chế hoạt động và nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL là rất cần thiết, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ TGPL. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, các vấn đề pháp lý phức tạp cũng phát sinh, như tội phạm hình sự gia tăng, tranh chấp lao động, bạo lực gia đình, và các vấn đề môi trường, đất đai. Trung tâm TGPL cần được tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên pháp lý để đáp ứng kịp thời những nhu cầu này, giảm thiểu xung đột xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Sau đây là một số giải pháp nhằm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên pháp lý:
Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý
Một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng TGPL là tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân lực. Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, mở rộng chỉ tiêu tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Để đảm bảo chất lượng, việc tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn định kỳ là điều cần thiết, giúp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tranh tụng, tư vấn pháp lý, đàm phán và hòa giải.
Nâng cao chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý
Chất lượng đội ngũ TGPL không chỉ phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi các kỹ năng thực tế. Để nâng cao năng lực này, việc cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật mới, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, tư vấn và tranh tụng là điều cần thiết. Ngoài ra, công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực pháp lý. Việc đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ số sẽ giúp đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và giải quyết vụ việc nhanh chóng, chính xác hơn.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là chế độ đãi ngộ. Nhà nước cần có chính sách phù hợp để tạo động lực làm việc, khuyến khích sự cống hiến và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý
Cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Việc đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định giúp chi trả lương, phụ cấp và kinh phí đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Mạng lưới TGPL cũng cần được mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa để người dân có thể tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ phương tiện làm việc và các chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Việc kiểm tra thường xuyên giúp nâng cao chất lượng và điều chỉnh kịp thời những thiếu sót trong công tác TGPL.
Tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức để thu hút đội ngũ tham gia thực hiện TGPL
Để thu hút nhiều nhân sự có năng lực và tâm huyết tham gia vào lĩnh vực TGPL, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và ý nghĩa của TGPL. Tăng cường tổ chức hội thảo, diễn đàn về nghề TGPL: Giới thiệu rõ vai trò và ý nghĩa của TGPL trong xã hội để thu hút những người có đam mê với nghề; đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực TGPL thông qua mạng xã hội, báo chí, website của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, UBND tỉnh... Đồng thời ghi nhận và vinh danh các Trợ giúp viên pháp lý có thành tích tốt trong công tác như tổ chức các giải thưởng, danh hiệu nhằm ghi nhận sự đóng góp của các Trợ giúp viên pháp lý, tạo động lực cho những người đang làm việc và thu hút thêm nhân sự mới. Công khai những thành tích nổi bật của các trung tâm TGPL để nâng cao uy tín nghề nghiệp.
Anh Thơ - Trung tâm TGPL Nhà nước