Một số kết quả hoạt động phối hợp PBGDPL giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh

Sau 05 năm thực hiện Thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi.

Ngành Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức trên 800 cuộc tuyên truyền các văn bản luật liên quan cho gần 92.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; cấp phát hơn 262.000 tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp; xây dựng và đăng tải gần 7.000 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; gần 450 bản tin tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình, phòng ngừa di cư trái phép; tổ chức gần 30 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, kỹ năng nắm bắt tình hình, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, đất đai, phòng chống tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa di cư trái phép và buôn bán phụ nữ, Hội đã tổ chức chuỗi hoạt động truyền thống phòng chống di cư trái phép, hậu quả của di cư trái phép, đối thoại chính sách trả lời hỏi đáp với người dân về những thông tin, chính sách về xuất khẩu lao động, tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu về phòng, chống di cư trái phép, phòng chống mua bán người…các hoạt động này nhằm tuyên truyền đến người dân không di cư bất hợp pháp và cảnh giác với những thủ đoạn mua bán người, từ đó góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

          Công tác hòa giải ở cơ sở đã từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nề nếp, có hiệu quả, hiện nay, toàn tỉnh có 1.959 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Trong 05 năm, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công 4.879 vụ việc như: phân chia tài sản sau ly hôn, bạo lực gia đình, đất đai, dân sự.... Chất lượng hòa giải cũng được nâng cao, theo đó, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 80%.

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đã được ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp thực hiện hiệu quả. Trong  05 năm đã trợ giúp pháp lý  4.748 vụ việc (872 vụ việc hình sự, 800 vụ việc dân sự, 730 vụ việc hành chính, 2346 vụ việc lĩnh vực khác) trong đó, có những vụ, việc TGPL cho phụ nữ. Đặt biệt, 01 vụ án hình sự có trợ giúp viên pháp lý tham gia thực hiện đã được đưa vào án lệ số 30/2020/AL để làm nguồn xét xử cho những vụ án xảy ra tương tự; tổ chức thực hiện thành công 504 cuộc truyền thông về TGPL thu hút khoảng hơn 28.000 người tham gia; cấp phát khoảng 142.500 tờ rơi, tờ gấp về trợ giúp pháp lý, tài liệu các lĩnh vực pháp luật được người dân, người được TGPL quan tâm; biên soạn 82 số Chương trình phát thanh “TGPL với người dân” để phát đến tận thôn, xóm giúp người dân có hiểu biết về chính sách TGPL miễn phí và các pháp luật có liên quan đến đời sống người dân; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp về TGPL trong hoạt động xét xử giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Trung tâm và Đoàn luật sư tỉnh. Qua đó, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt là trong công tác phối hợp tham gia tố tụng, truyền thông trợ giúp pháp lý về cơ sở; lắp đặt mới 71 Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trên toàn tỉnh. Hệ thống Hội từ cấp tỉnh đến huyện đều có cán bộ tham gia xét xử tại các phiên tòa của tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện với vai trò là Hội thẩm nhân dân. Thông qua công tác xét xử, Hội LHPN lồng ghép tuyên truyền những chính sách pháp luật của Nhà nước đến phụ nữ, Nhân dân.

Việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật thực hiện tốt, có chất lượng. Trong thời gian qua đã tham gia góp ý có chất lượng vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh có nội dung liên quan đến bình đẳng giới đều được cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến góp ý của Hội LHPN tỉnh và được Sở Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến tham gia thẩm định, giữa Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh đều có sự phối hợp, trao đổi nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản QPPL ở địa phương có liên quan đến bình đẳng giới.… Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình được quan tâm thực hiện. Trong 05 năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 20 cuộc tập huấn cho cán bộ, hội viên các cấp. Tại các Hội nghị này, các cán bộ, hội viên Hội phụ nữ các cấp không chỉ được bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền pháp luật (kỹ năng thuyết trình; kỹ năng viết tin, bài; kỹ năng soạn bài giảng… ) mà còn được cập nhật thường xuyên các văn bản pháp luật như: Hiến pháp, Bộ Luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Đất đai; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em; Luật tiếp cận thông tin; pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình…. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, hội viên các cấp Hội cũng được tham gia vào các Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL của tỉnh nhằm đúc rút kinh nghiệm, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất để góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, trong thời gian triển khai Đề án PBGDPL, UBND cấp huyện đã tổ chức hàng trăm Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên. Ngoài ra, hàng năm Sở Tư pháp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xây dựng tài liệu pháp luật, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên các cấp. Trong việc biên soạn tài liệu, Sở đã chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức, nội dung tài liệu được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng tuyên truyền, hình thức tài liệu ngày càng đa dạng, phong phú và sinh động hơn, thu hút sự quan tâm của Nhân dân.

Trong thời gian tới hai ngành xác định tiếp tục tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp cấp ủy, chính quyền đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phụ nữ nói riêng, từng bước tạo được ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong phụ nữ và Nhân dân; góp phần bảo vệ và phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc phòng tại địa phương; Tăng cường trao đổi, thông tin, phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện nhiệm vụ phối hợp hằng năm; xây dựng Kế hoạch hoạt động, chú trọng một số nội dung trọng tâm để thực hiện có hiệu quả; Lồng ghép, gắn triển khai các nội dung phối hợp trong các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai ngành./.

 

Kim Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN