Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến

Hàng năm, Sở Tư pháp đã quan tâm tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các Hội nghị, cuộc họp giữa các ngành; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến cho các cá nhân đến thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp... Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa và nội dung các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả công tác lý lịch tư pháp

Sở Tư pháp đã thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp về cập nhật, cung cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin về lý lịch tư pháp (LLTP) (ban hành kèm theo Quyết định số 32/2011/QĐ-UBND ngày 26/10/2011 của UBND tỉnh). Định kỳ hàng quý, Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát việc cung cấp thông tin LLTP, trên cơ sở đó cập nhật, bổ sung thông tin còn thiếu. Các bên cũng thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi bằng văn bản, trao đổi trực tiếp…Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin LLTP được thực hiện nghiêm túc theo quy trình. Các cơ quan liên quan cũng đã tích cực phối hợp, cung cấp kịp thời thông tin LLTP.

Thứ ba, tiếp nhận và giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp

Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết hiệu quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP, trong đó có các trường hợp chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tuyên truyền, hướng dẫn đẩy mạnh việc nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích bằng nhiều hình thức, như: đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp; xây dựng video, sơ đồ hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến tại giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả; thông báo tài khoản ngân hàng để tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công. Sở Tư pháp cũng đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2126/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 về danh mục và Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trực tuyến một phần; cấp phiếu LLTP trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong giai đoạn vừa qua, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 132.604 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, trong đó có 2.679 trường hợp xóa án tích.

Thứ tư, chủ động rà soát các trường hợp đương nhiên xóa án tích

Thực hiện Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 13/7/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã chủ động tổ chức 03 đợt rà soát các trường hợp đương nhiên xóa án tích trên phần mềm quản lý LLTP với số lượng đưa vào rà soát 928 trường hợp. Trên cơ sở đó, đề nghị các cơ quan Công an, Thi hành án dân sự có liên quan xác minh các thông tin về thi hành án hình sự và thi hành án dân sự chưa có dữ liệu trên phần mềm. Qua đó đã xác định 157 trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Sở đã cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu LLTP và thông báo người dân làm đơn xóa án tích, đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm phối hợp trong việc tuyên truyền, thông báo và hỗ trợ người đương nhiên được xóa án tích thực hiện các thủ tục cần thiết.

Những hoạt động nêu trên đã góp phần vào việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm tội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng qua nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội. Đồng thời, các địa phương cần chủ động rà soát người đã chấp hành xong án hình sự cư trú tại địa bàn, đã đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích, qua đó thông báo, hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp phiếu LLTP để xóa án tích theo quy định./.

                                                                                Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình ngày 31/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP để xử lý các hành vi vi phạm, quá trình thi hành Nghị định đã góp phần hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, tạo ra công cụ pháp lý cho các cơ quan, người có thẩm quyền thi hành tốt công vụ. Tuy nhiên, một số quy định của nghị định thiếu cụ thể, rõ ràng, trùng lặp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác dẫn đến quá trình áp dụng người thi hành công vụ lúng túng gặp không ít khó khăn, cụ thể:
Mặc dù được quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, tuy nhiên khái niệm về quyền hưởng dụng hiện nay vẫn đang còn tương đối mơ hồ với nhiều người dân. Điều này phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Tuy nhiên, không vì vậy mà cho rằng quyền hưởng dụng không quan trọng. Thực tế, khi xem xét cụ thể về quyền hưởng dụng, có thể thấy rằng đây là một quyền năng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và kinh tế trong việc khai thác, sử dụng tài sản. Quyền hưởng dụng là quy định mới được bổ sung tại BLDS năm 2015 mà trước đây BLDS năm 2005 không quy định, mang tính chất đột phá trong giao dịch dân sự ngày nay.
Luật Đất đai 2024, được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn quản lý và sử dụng đất, trong đó có những tác động tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững…
Thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, ngày 29 tháng 12 năm 2023 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Tư pháp. Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75, khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và áp dụng đối với tập thể, cá nhân được xác định cụ thể trong các phong trào thi đua; tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp; tập thể, cá nhân có đóng góp vào sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp.
Ngày 25/04/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 343/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kể từ ngày 01/01/2022, công tác này xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Qua 02 năm thực hiện các văn bản này, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.