Một số kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai, thực hiện công tác PBGDPL về trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 đã chú trọng tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến trẻ em như: Hiến pháp; Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em; Bộ Luật Hình sự; Luật Trẻ em; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hộ tịch; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình;… Các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được Sở Tư pháp thực hiện phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị, thi tìm hiểu pháp luật, đăng tải các tin, bài trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; in ấn, phát hành 07 số Bản tin Tư pháp Hà Tĩnh; chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện 03 Chương trình pháp luật và Đời sống với nội dung giới thiệu quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, Sở cũng đã tập trung xây dựng, tập hợp các đề cương, tài liệu để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến (đã in ấn, cấp phát 10.000 cuốn tài liệu giới thiệu một số quy định pháp luật về phòng chống ma túy, phòng chống tác hại của rượu bia, 4.000 tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông, 5.000 cuốn tài liệu về phòng, chống xâm hại trẻ em). Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, Sở đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL tại các ngành, địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng kiểm tra việc triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

 Ngoài ra, xác định vai trò quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại, người dưới 18 tuổi, Sở đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện 423 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Trong đó, 74 vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại, 148 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, giới thiệu của các các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác. Từ đó, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế và am hiểu tâm lý trẻ em.

Thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép trong các hoạt động xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đa dạng hóa hình thức tổ chức, giúp cán bộ và Nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác gia đình trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thường xuyên nêu gương tốt, gương mẫu và phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi bạo hành trong gia đình; phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho trẻ em.

Với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, hi vọng trong thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa./.

                                                                                          Kim Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN