Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Với việc thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa, vai trò của công tác PBGDPL ngày càng được nâng lên, từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này ở các ngành, địa phương. Nhờ đó công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được chủ động triển khai thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PBGDPL ngày càng chặt chẽ. Mặt trận Tổ quốc Việt nam các cấp và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong triển khai công tác PBGDPL cho thành viên, hội viên, đồng thời vận động thành viên, hội viên tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền pháp luật. Đa số người dân đã ý thức được việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật là nghĩa vụ của bản thân và tự giác thực hiện, đồng thời vận động, thuyết phục những người xung quanh cùng tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật PBGDPL tại địa phương đã gặp phải một số khó khăn do một số quy định của Luật còn chung chung, thiếu tính cụ thể hoặc chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Cụ thể như sau:

- Tại Điều 7 Luật PBGDPL quy định Hội đồng phối hợp PBGDPL chỉ thành lập ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, không quy định việc thành lập Hội đồng ở cấp xã do đó tại cấp xã không có cơ quan tham mưu, tư vấn cho UBND cùng cấp trong triển khai và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL ở địa phương mình.

- Luật PBGDPL quy định tiêu chuẩn của báo cáo viên pháp luật : “Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm”. Từ thực tiễn cho thấy, việc xác định điều kiện “có thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật” và “có thời gian công tác liên quan đến pháp luật” còn gặp khó khăn, do quy định này chưa rõ.

- Luật chưa quy định về chính sách, chế độ hỗ trợ kiêm nhiệm cho thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và đội ngũ tuyên truyền viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL (Báo cáo viên pháp luật khối Đảng có phụ cấp hỗ trợ nhưng Báo cáo viên pháp luật khối hành chính nhà nước không có phụ cấp hỗ trợ).

-  Quy định về xã hội hóa công tác PBGDPL còn chung chung, không có văn bản hướng dẫn cụ thể, do đó khó triển khai thực hiện trên thực tế.

- Điều 39 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách”. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay chưa có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về nội dung này. 

Do đó, để tiếp tục hoàn thiện Luật PBGDPL cần xem xét quy định việc thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL ở cấp xã để đảm bảo việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL ở cơ sở; Quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn Báo cáo viên, Tuyên truyền viên tạo thuận lợi cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện; Bổ sung chính sách, chế độ hỗ trợ kiêm nhiệm cho thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và đội ngũ tuyên truyền viên góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL; Quy định cụ thể hơn về xã hội hóa công tác PBGDPL, phạm vi và mức độ xã hội hóa, hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL theo hướng cụ thể hóa, phù hợp hơn. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia PBGDPL như: chính sách thuế, quảng bá thương hiệu, chính sách hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, khen thưởng, tôn vinh… Xác định trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong xã hội hóa PBGDPL; Bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục khi ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Bên cạnh đó cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong  lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác PBGDPL và xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số để ứng dụng hiệu quả trong công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền; Xem xét bỏ tủ sách pháp luật truyền thống vì không phát huy hiệu quả trên thực tế, bổ sung quy định bắt buộc việc xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, sách nói pháp luật.

Tin tưởng rằng với việc hoàn thiện các quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN