Một số kỹ năng pháp lý của người giám định tư pháp

Giám định tư pháp là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, cung cấp nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Để kết luận giám định được sử dụng là chứng cứ đòi hỏi việc thực hiện giám định phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật về tố tụng. Do đó, cùng với tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, người giám định tư pháp cần nắm được những kỹ năng pháp lý cơ bản trong quá trình thực hiện.

1. Tiếp nhận quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định

Đây là bước đầu tiên, quan trọng trong quá trình giám định. Người giám định tư pháp cần xem xét kỹ nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, mẫu vật giám định và các tài liệu liên quan kèm theo để bảo đảm nội dung cần giám định phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và khả năng giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu, yêu cầu. Các tài liệu liên quan phải đảm bảo đủ thông tin cần thiết, mẫu vật giám định phải phù hợp với yêu cầu giám định. Người giám định có quyền từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp: nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Người giám định phải thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu, yêu cầu giám định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.

2. Tiến hành giám định

Theo quy định tại Điều 209 Bộ Luật Tố tụng hình sự, việc giám định được tiến hành ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu nhằm bảo đảm chất lượng giám định, tính khách quan, chính xác, kịp thời; được tiến hành ngay tại nơi điều tra vụ án (hiện trường) hoặc tại tổ chức giám định (các tổ chức giám định tư pháp ở Trung ương, Phòng kỹ thuật hình sự, Trung tâm pháp y…). Việc tiến hành giám định phải tuân thủ đầy đủ quy trình giám định do Bộ, ngành chủ quản ban hành hoặc hướng dẫn. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, người yêu cầu giám định có thể tham dự giám định nhưng phải báo trước cho người giám định biết. Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết.

Người thực hiện giám định tư pháp phải ghi nhận toàn bộ quá trình giám định một cách kịp thời, đầy đủ, trung thực bằng văn bản. Trong đó phải nêu rõ tình trạng đối tượng giám định; thông tin, tài liệu có liên quan gửi kèm theo; thời gian, địa điểm, nội dung công việc, tiến độ, phương pháp thực hiện giám định, kết quả thực hiện và phải có chữ ký của người giám định tư pháp. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp phải được lưu trong hồ sơ giám định.

3. Giám định tập thể

Giám định tập thể là giám định do 02 người trở lên thực hiện. Giám định tập thể có 02 hình thức thể hiện là: giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau và giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn. Trong trường hợp giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn thì những người giám định cùng thực hiện việc giám định, ký vào bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó; nếu có ý kiến khác thì giám định viên ghi ý kiến của mình vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Trường hợp giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc giám định thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm cá nhân về phần kết luận giám định đó.

4. Kết luận giám định

Đây là kết quả của cả quá trình thực hiện giám định. Kết luận giám định tư pháp phải bằng văn bản, bao gồm các nội dung:  Họ, tên người giám định tư pháp; tổ chức thực hiện giám định tư pháp; Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; Thông tin xác định đối tượng giám định; Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; Nội dung yêu cầu giám định; Phương pháp thực hiện giám định; Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.

Kết luận giám định chỉ thể hiện về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu. Khi kết luận giám định, cần đảm bảo tính độc lập, chỉ căn cứ tài liệu chuyên môn, khoa học. Việc trình bày, thể hiện nội dung kết luận giám định cần rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện đầy đủ quy trình, phương tiện giám định, quy chuẩn chuyên môn được áp dụng ... làm cho kết luận giám định có sức thuyết phục, đồng thời tạo điều kiện cần thiết để người trưng cầu giám định cân nhắc, xem xét việc sử dụng kết luận giám định trong đánh giá chứng cứ.

5. Tham gia tố tụng

Tham gia tố tụng vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người giám định. Việc tham gia tố tụng chủ yếu thể hiện ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự hoặc xét xử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính với một số hoạt động cụ thể sau đây:

- Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng giám định. Khi thực hiện giám định, người giám định xét thấy cần thiết phải có tài liệu bổ sung hoặc có những tình tiết mới cần thiết tìm hiểu thì có quyền yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ án.

- Tham dự việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định. Trong trường hợp cần thiết hỏi thêm đối tượng giám định hoặc tìm hiểu thêm thông tin mà có thể chỉ bị can nắm được thì theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 năm 2015, người giám định có thể yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên bố trí để tham dự việc hỏi cung để đặt câu hỏi làm rõ những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định. Để làm tốt công việc này, người giám định cần nghiên cứu kỹ tất cả tài liệu, hồ sơ hiện có, ghi riêng những nội dung cần làm sáng tỏ và dự liệu trước các câu hỏi.

- Khi tham dự phiên tòa, người giám định cần lắng nghe, ghi chép ý kiến của chủ tọa, của những người liên quan để chủ động có giải pháp, phù hợp. Mục đích việc tham dự phiên tòa thường là trình bày kết luận giám định, giải thích thêm về một số nội dung trong kết luận giám định, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác. Để thực tốt yêu cầu này, người giám định nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc giám định, kết luận giám định; nắm rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác; những nguyên tắc thực hiện giám định để trình bày, giải thích bổ sung về kết luận giám định; có thể giải thích phương pháp, phương tiện tiến hành để giám định, các căn cứ để đưa ra kết luận giám định. Trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử, câu hỏi của những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp cần thiết, người giám định có thể đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác. Việc trả lời câu hỏi cần rõ ràng, ngắn gọn, đúng phạm vi chuyên môn, biết từ chối những câu hỏi có nội dung ngoài phạm vi trách nhiệm./.

Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN