Một số lưu ý trong việc thực hiện chỉ tiêu số 4 của tiêu chí số 2, Bộ tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2017 theo Quyết định số 619/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Qua năm năm thực hiện, công tác này ngày càng đi vào nề nếp, giúp cán bộ và nhân dân được tiếp cận pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở. Từ ngày 01/01/2022, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Theo đó, bộ Tiêu chí mới gồm 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu, trong đó có 04 chỉ tiêu mới so với trước đây, 16 chỉ tiêu được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các nội dung của bộ tiêu chí cũ. Đáng chú ý trong đó có chỉ tiêu số 4 của tiêu chí số 2 về xây dựng mô hình thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, chiếm 05 điểm trong bộ tiêu chí. Để đạt điểm tối đa của chỉ tiêu này, địa phương cần xây dựng 02 hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả.

Hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở là hình thức, mô hình đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có từ 80% trở lên ý kiến của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện các thôn, tổ dân phố xác nhận mô hình đó hiệu quả, phù hợp trong truyền tải thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, được triển khai trên toàn địa bàn, duy trì thường xuyên, liên tục và có khả năng nhân rộng. Trước đây, theo bộ tiêu chí cũ, hoạt động PBGDPL được đánh giá và chấm điểm rất nhiều nội dung như: PBGDPL cho cán bộ, công chức cấp xã, cho nhân dân, cho các đối tượng đặc thù; các thiết chế tiếp cận pháp luật ở cơ sở như: tủ sách pháp luật, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng/trang thông tin điện tử… Do đó, để đạt được số điểm tối đa của tiêu chí, các địa phương phải đầu tư nguồn lực thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ. Điều này có thể dẫn đến việc dàn trải nguồn lực trong khi hiệu quả mang lại không cao, dễ đi vào hình thức. Tuy nhiên với quy định của Bộ tiêu chí hiện nay, các địa phương được lựa chọn và tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các hình thức, mô hình PBGDPL phù hợp. Điều này một mặt có tác dụng phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, mặt khác góp phần đưa công tác PBGDPL ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thực chất, hiệu quả theo đúng tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng.

Xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả vẫn luôn được xem là một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật và được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh như thành lập các câu lạc bộ pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, qua mạng xã hội facebook… Tuy nhiên, nhìn chung các mô hình PBGDPL của các địa phương còn mang tính đơn lẻ, chưa được áp dụng trên toàn địa bàn, hoạt động chưa thường xuyên, liên tục.  Để đảm bảo thực hiện đúng nội dung chỉ tiêu về xây dựng hình thức, mô hình thông tin PBGDPL hiệu quả các địa phương cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Một là, việc xây dựng mô hình tại cơ sở phải xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu phát luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn, phù hợp với điều kiện và thực tiễn của mỗi địa phương. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương nên có bước khảo sát trước khi quyết định xây dựng mô hình, trong đó có thể khai thác, phát huy, mở rộng hoặc nâng cao chất lượng từ các mô hình sẵn có tại địa phương. Nên tránh trường hợp học hỏi mô hình của địa phương khác nhưng không phù hợp với thực tiễn và nguồn lực của địa phương mình dẫn đến hiệu quả không như mong muốn. Việc xây dựng mô hình nên có kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ cơ chế hoạt động của mô hình và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo cho mô hình được vận hành thông suốt, trôi chảy.

Hai là, cần lưu ý mô hình phải được triển khai trên toàn địa bàn, được duy trì thường xuyên, liên tục và có khả năng nhân rộng. Do đó cần tránh xây dựng các mô hình có phạm vi nhỏ hẹp, hoạt động bị gián đoạn hoặc khó có khả năng nhân rộng. Điều này đòi hỏi chính quyền cấp xã cần có sự định hướng ngay từ khi xây dựng mô hình, đồng thời phân công cán bộ, công chức để thường xuyên đồng hành, sâu sát với hoạt động của các mô hình, có hỗ trợ kịp thời để mô hình được vận hành đúng với kế hoạch. Hiện nay trong Thông tư số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/11/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp có quy định cụ thể về mức hỗ trợ hoạt động PBGDPL qua hệ thống truyền thanh, tủ sách pháp luật, câu lạc bộ… Các địa phương cần nghiên cứu, đảm bảo thực hiện đúng để giúp các mô hình PBGDPL hoạt động hiệu quả hơn.

Ba là, đảm bảo việc lấy ý kiến đánh giá về hiệu quả của mô hình đã xây dựng. Theo quy định hiện nay, hình thức, mô hình thông tin, PBGDPL phải được 80% trở lên ý kiến của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện các thôn, tổ dân phố xác nhận mô hình đó hiệu quả. Việc lấy kiến được thực hiện qua Phiếu lấy ý kiến theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở kết quả đánh giá của các thành viên được lấy ý kiến, Công chức Tư pháp – Hộ tịch tổng hợp kết quả đánh giá, trình Chủ tịch UBND xã ký xác nhận.

Bốn là, chú trọng xây dựng các mô hình PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.  Trong giai đoạn tiếp theo, công tác PBGDPL được thực hiện trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, bên cạnh đó trình độ dân trí và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ngày càng cao. Do vậy cần chú trọng đổi mới nội dung và hình thức triển khai thực hiện. Trong đó đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này, coi đây là một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thay đổi diện mạo, cách thức PBGDPL, tạo sự lan tỏa sâu rộng và nhanh chóng các thông tin pháp luật chính thống, giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong khai thác, sử dụng pháp luật để bảo vệ, thực thi các quyền, nghĩa vụ pháp lý của mình.

Tin tưởng rằng, với việc thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp, trong năm 2022 nhiều hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở sẽ được xây dựng, góp phần tạo sự chuyển biết  tích cực, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL./.

          Thiều Chiên- Phó Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Tĩnh

 TIN TỨC LIÊN QUAN