Một số lưu ý về tiếp công dân, xử lý khiếu nại đông người

Khiếu nại đông người là một hiện tượng xã hội, đang diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương, trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Khiếu nại đông người được hiểu là tình trạng khiếu nại có nhiều người cùng tham gia, có cùng nội dung khiếu nại, vào cùng một khoảng thời gian, tại một thời điểm. Ngoài ra, cũng có trường hợp nhiều người khiếu nại về các vụ việc, các nội dung khác nhau liên kết với nhau tạo thành các đoàn đông người, thậm chí liên kết giữa các nhóm, ở các địa phương khác nhau tạo thành đoàn đông người nhằm gây áp lực cho cơ quan có thẩm quyền. Khiếu nại đông người có tính chất gay gắt, phức tạp hơn khiếu nại thông thường. Do vậy, trong tiếp công dân, xử lý khiếu nại đông người yêu cầu người cán bộ tham mưu cần phải lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp đại diện khiếu nại đông người: Trường hợp nhiều người cùng đến nơi tiếp công dân để khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp công dân yêu cầu những người khiếu nại cử đại diện trình bày về nội dung vụ việc với người tiếp công dân. Việc cử người đại diện khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại: “Trường hợp có từ 05 đến 10 người khiếu nại thì cử không quá 02 người đại diện; Trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người đại diện”; Người tiếp công dân có trách nhiệm tiếp nhận các tài liệu, ghi chép đầy đủ ý kiến trình bày về nội dung khiếu nại của người đại diện, đọc lại cho người đại diện nghe và yêu cầu ký xác nhận.

          Thứ hai, phân loại và xử lý tại chỗ: Đối với khiếu nại phức tạp có nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, đã nhiều cơ quan xem xét, giải quyết hoặc khiếu nại có rất nhiều người tham gia, thái độ gay gắt, bức xúc thì người tiếp công dân phải kịp thời nắm bắt về nội dung cơ bản của vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại và các thông tin về thân nhân những người đại diện trong việc khiếu nại. Đồng thời báo cáo diễn biến về việc khiếu nại và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan để xử lý trong các trường hợp sau:

          Trường hợp vụ việc phức tạp, đã qua nhiều lần, nhiều cấp giải quyết mà công dân vẫn còn khiếu nại thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan nơi xảy ra vụ việc cử cán bộ có thẩm quyền phối hợp tiếp công dân. Nếu cần thiết, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc, diễn biến, quá trình giải quyết vụ việc và những thông tin khác có liên quan đến nội dung vụ việc.

          Trường hợp những người khiếu nại có hành vi kích động, gây rối trật tự hoặc đe dọa đối với người tiếp công dân thì người tiếp công dân báo cáo Thủ trưởng cơ quan để kịp thời tăng cường người tiếp công dân và yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

          Trường hợp nếu người đại diện khiếu nại là cá nhân có hành vi gây rối, vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân thì người tiếp công dân từ chối không để người đó làm đại diện và đề nghị cử người khác làm đại diện cho người khiếu nại. Sau đó, yêu cầu người đại diện trình bày nội dung vụ việc và các yêu cầu của người khiếu nại. Trên cơ sở trình bày các thông tin, tài liệu do người đại diện cung cấp và từ các nguồn khác có được, người tiếp công dân xác định nội dung vụ việc, nguyên nhân, động cơ của việc khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại để báo cáo Thủ trưởng cơ quan có biện pháp xử lý kịp thời.

           Trong quá trình tiếp công dân, người tiếp công dân chú ý phân loại các đối tượng đến khiếu nại như: người có quyền lợi trực tiếp liên quan nội dung khiếu nại; người lợi dụng quyền khiếu nại để kích động, lôi kéo người khác khiếu nại; những người bị kích động, lôi kéo; những đối tượng chính sách…để có các biện pháp xử lý thích hợp.

          Thứ ba, hướng dẫn, trả lời công dân: Trên cơ sở nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại, người tiếp công dân phải xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết từng nội dung cụ thể.

          Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thì người tiếp công dân hướng dẫn người đại diện đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc hướng dẫn chỉ thực hiện một lần theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-TTCP. Trước khi ban hành văn bản hướng dẫn, thì người tiếp công dân giải thích cho người đại diện khiếu nại biết các căn cứ pháp lý liên quan đến việc gửi những nội dung khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời yêu cầu người đại diện giải thích cho những người cùng khiếu nại biết và thực hiện theo hướng dẫn của người tiếp công dân.

          Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thì người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời cho người khiếu nại biết và đề xuất Thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc đề xuất thụ lý giải quyết được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-TTCP. Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng chưa đủ điều kiện thụ lý giải quyết thì hướng dẫn người khiếu nại bổ sung thông tin, tài liệu để thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật.

          Trong tình hình mới hiện nay, giải quyết khiếu nại đông người là công việc có tính phức tạp, đòi hỏi phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do đó, người tham mưu cần phải thực hiện đúng các nội dung về tiếp công dân, xử lý khiếu nại đông người để tập trung giải quyết triệt để ngay từ khi mới phát sinh vụ việc, không để kéo dài, phức tạp trở thành điểm nóng hoặc lây lan, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn./.

                                                                                                   Quang Lý

 TIN TỨC LIÊN QUAN