Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2024

Trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp Hà Tĩnh đặt mục tiêu đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024 và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, của đội ngũ pháp chế các Sở, ngành trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực công tác tư pháp; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai công tác tư pháp. Nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2024 xác định 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với một số nội dung chủ yếu như sau:

Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024

 

          Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024

Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch tổ chức thực hiện của UBND tỉnh về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hai là, tiếp tục triển khai thi hành hiệu quả Luật Ban hành văn bản QPPL và Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Chú trọng việc lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL; Nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản QPPL; đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của HĐND, UBND các cấp, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản Trung ương. Tiếp tục thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023. Triển khai hiệu quả Đề án hoàn thiện hệ thống bản QPPL của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ba là, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn. Tăng cường kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC. Tiếp tục chú trọng công tác TDTHPL; tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả văn bản QPPL, nhất là các luật được ban hành để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, gắn với việc thực hiện chuyển đổi số; Tiếp tục tham mưu triển khai hiệu quả các Đề án tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Tổng kết đánh giá kết quả 05 năm triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn. Tập trung củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính  phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Sáu là, thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong công tác cải cách tư pháp, đặc biệt đặc biệt là các nội dung tại Kế hoạch số 07-KH/BCĐCCTP ngày 23/01/2024 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về công tác cải cách tư pháp năm 2024. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản, đề án trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như: Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/03/2009 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, Nghị định số 47/2023/NĐ-CP ngày 03/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản; Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”.

Bảy là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp. Tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung đẩy mạnh việc số hóa sổ hộ tịch; theo dõi thường xuyên, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện việc liên thông 02 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến...; Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tám là, nâng cao vai trò, năng lực, tính chuyên nghiệp, chất lượng và tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá hệ thống trợ giúp pháp lý. Tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn, thi hành. Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; triển khai hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

Chín là, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, chú trọng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, tiếp tục tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến xã; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, hướng công tác tư pháp về cơ sở.

Các nhóm nhiệm vụ trên đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 27/02/2024 của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2024. Trên cơ sở Kế hoạch này, hiện nay, về cơ bản UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác tư pháp, pháp chế tại đơn vị, địa phương mình./.

Ngọc Anh

         

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, ngoài Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì một số văn bản chuyên ngành cũng có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số chồng chéo, vướng mắc cụ thể:
Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. So với quy định hiện nay, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
Năm 2023 với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Công tác cải cách hành chính được các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện nghiêm túc và kết quả của hoạt động này được đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế và Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, kết quả chấm điểm cải cách hành chính năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC đối với cấp sở, UBND cấp huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC của UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật gồm 16 chương và 260 điều (tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013) với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Vừa qua, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý. Đối với dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong giai đoạn 2009-2023, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về an toàn giao thông, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động góp phần tuyên truyền pháp luật về ATGT cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.