Một số quy định mới về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. So với quy định hiện nay, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nội dung quản lý hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp.

Thứ hai, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quy định rõ nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Theo đó, nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm toàn bộ hoặc một phần các nội dung: Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật; Cải cách tư pháp. Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện dưới các hình thức: Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án; Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Thứ ba, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP thay đổi thẩm quyền cho ý kiến đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Hiện nay, Nghị định số 113/2014/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp thẩm định đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan chủ quản. Thay đổi nội dung này, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quy định thẩm quyền cho ý kiến như sau:

- Đối với thỏa thuận quốc tế có nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến pháp luật và cải cách tư pháp, cơ quan, tổ chức đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an.

- Đối với chương trình, dự án, phi dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương thực hiện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

- Đối với chương trình, dự án, phi dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an.

- Đối với tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định của Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, cơ quan chủ trì thực hiện lấy ý kiến đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an (trường hợp có sự tham gia của báo cáo viên là người nước ngoài).

- Trường hợp thỏa thuận quốc tế, chương trình, dự án, phi dự án, hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp có nội dung liên quan tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc có hoạt động thực hiện ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các khu vực trọng điểm khác về quốc phòng, ngoài việc lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức thực hiện lấy ý kiến có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Quốc phòng.

Thứ tư, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quy định nhiều hơn về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp tại địa phương, bao gồm:

- Đảm bảo hiệu quả và tiến độ thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

- Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, báo cáo việc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc theo quy định pháp luật có liên quan.

- Phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiểm tra, thanh tra hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp của các tổ chức, các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức khoa học và quy định pháp luật có liên quan.

- Tham gia ý kiến đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.

- Tổng hợp, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trên địa bàn cấp tỉnh.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia pháp luật đủ năng lực để tham gia xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế thuộc trách nhiệm của địa phương./.

Hạnh Ngân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN