Một số quy định về thẩm quyền trong lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính

Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính là một trong những nội dung quan trọng của việc phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính. Trong quá trình lập hồ sơ có rất nhiều nội dung như: trình tự thủ tục, biểu mẫu, cách xác định hành vi, lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật… và trong đó xác định thẩm quyền của người lập biên bản, tạm giữ tang vật, ra quyết đinh xử phạt là một trong những nội dung rất quan trọng.

Thứ nhất về thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ đã xác định rõ những người có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính và lập trong các trường hợp cụ thể. Theo đó, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

          Như vậy, với quy định trên thì người có thẩm quyền xử phạt ở lĩnh vực nào thì sẽ có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính ở lĩnh vực đó. Đối với công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thì phải là những người đang thi hành nhiệm vụ thì mới có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính.

          Ngoài ra, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản là nhóm đối tượng có thẩm quyền đặc thù được xác định theo phạm vi của tàu, thuyền đối với những hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tàu, thuyền bởi khi những tàu, thuyền đang di chuyển thì không thể yêu cầu sự có mặt của nhóm đối tượng có thẩm quyền xử phạt hay đang thi hành công vụ được, mặt khác quy này đảm bảo được thời hạn lập Biên bản vi phạm hành chính.

          Thứ hai, về thẩm quyền lập Biên bản và ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

          Theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Sau khi nhận được Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Với quy định nêu trên, tất cả những người có thẩm quền lập Biên bản VPHC đang thụ lý vụ việc sẽ lập Biên bản tạm giữ đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Luật XLVPHC được phép ban hành quyết định tạm giữ mà không cần phải có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc này. Với quy định này đã khắc phục khó khăn khi xác định thẩm quyền tạm giữ phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong thời gian qua, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thi hành công vụ nhưng cũng không xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của đối tượng vi phạm.

          Thứ ba, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

          Trong thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm thẩm quyền xử phạt chính, thẩm quyền xử phạt bổ sung và thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Thẩm quyền này sẽ được cụ thể hóa theo từng nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quá trình xác định thẩm quyền xử phạt cần lưu ý một số nguyên tắc: (i) Chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. (ii) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định theo ngành, lĩnh vực quản lý có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. (iii) Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

          Ngoài ra, Luật còn có quy định riêng về thẩm quyền trong một số trường hợp cụ thể như xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành theo Điều 24 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP. Theo đó, nếu hành vi có quy định trị giá hoặc số lượng của hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành và khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại Chương II Phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành không quy định trị giá hoặc số lượng thì thẩm quyền được xác định theo hai trường hợp: (i) Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; (ii) Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không phải là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc không phải là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước đó để ra quyết định xử phạt.

Thứ tư, thẩm quyền quyết định cưỡng chế

Theo quy định tại Điều 87 Luật XLVPHC năm 2012 được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật XLVPHC sửa đổi 2020 thì không phải tất cả những người có thẩm quyền xử phạt đều có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế mà thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế gắn với chức danh của người có thẩm quyền xử phạt như Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; chức danh trưởng trong một số cơ quan ngành dọc như cục trưởng, đồn trưởng… Trong trường hợp, người ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì báo cáo cấp trên của mình ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

          Với những quy định rõ ràng, minh bạch về thẩm quyền trong các bước lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, các chức danh có thẩm quyền trong quá trình thi hành pháp luật.

          Cẩm Thạch

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN