Một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng văn bản QPPL của tỉnh

Thời gian qua HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành nhằm tập trung các nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.  Vì vậy, công tác này của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Theo đó, giai đoạn 2016 đến nay cấp tỉnh 420 văn bản QPPL, trong đó có 133 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 287 Quyết định của UBND tỉnh; cấp huyện 1.060 văn bản quy phạm pháp luật (chủ yếu ban hành năm 2016 trước khi Luật Ban hành văn bản QPPL hiệu lực có hiệu lực). Việc ban hành ban hành số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương cũng như điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên địa bàn đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Kết quả hoạt động xây dựng pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần khắc phục trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

- Theo quy định khoản 3 Điều 28 của Luật thì UBND tỉnh được ban hành văn bản QPPL để quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Một số trường hợp các văn bản pháp luật ở Trung ương không có quy định hoặc quy định không cụ thể nhưng thực tiễn phát sinh cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định để điều chỉnh về vấn đề đó. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng nội dung này là trái do Văn bản trung ương không giao quy định chi tiết hoặc quy định cụ thể hơn so với văn bản của trung ương. Ví dụ: Quy định thêm nội dung về rà soát Hợp tác xã: Theo đó, Điều 4 Quy định ban hành kèm Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND quy định tiêu chí nhằm soát xét tổng thể các Hợp tác xã để xác định và có biện pháp xử lý đối với các Hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể, vi phạm thuộc các trường hợp phải giải thể bắt buộc, vi phạm thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã, vi phạm các quy định khác theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Theo quy định của Luật HTX thì UBND cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hợp tác xã theo quy định của pháp luật. Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã; Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã không quy định tiêu chí rà soát Hợp tác xã và cũng không giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về nội dung này. Do đó, Cục kiểm tra văn bản QPPL kết luận việc UBND tỉnh quy định tiêu chí rà soát Hợp tác xã căn cứ vào khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL (quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước) là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật về Hợp tác xã. Quy định này với nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau, gây ra khó khăn trong quá trình áp dụng thực hiện.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì chỉ có cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tại một số văn bản Trung ương vẫn có quy định giao các cơ quan khác trình ban hành văn bản QPPL. Ví dụ như tại điểm a khoản 10 Điều 4 Thông tư số 12/2020/TT-BKHĐT ngày 28/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế giao Ban Quản lý "xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý". Đồng thời, thực tiễn một số cơ quan không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh như Công an tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội… theo chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu thực tiễn vẫn cần tham mưu ban hành văn bản QPPL. Điều này gây những lúng túng nhất định trong việc triển khai thực hiện.

- Qua theo dõi, công tác tổ lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, một số dự thảo chưa đảm bảo đúng thời gian, quy định. Việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cổng thông tin của cơ quan soạn thảo chưa được thực hiện thường xuyên. Có những dự thảo lấy ý kiến của đối tương chịu tác động (đặc biệt là người dân, doanh nghiệp hưởng chính sách) trực tiếp của văn bản chưa thực hiện nghiêm, đang còn mang tính hình thức.

- Theo quy định tại điều theo quy định tại điều 121 thì hồ sơ trình thẩm định gồm. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm: Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo nghị quyết; Dự thảo nghị quyết; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Tài liệu khác (nếu có). Tuy nhiên thực tế, một số đơn vị gửi Hồ sơ thành phần chưa đầy đủ theo quy định.

Ngoài ra, còn có trường hợp đề nghị thẩm định thời gian ngắn, không đảm bảo theo quy định (ngày 04/6/2022 gửi hồ sơ thẩm định và đề nghị Sở Tư pháp có báo cáo thẩm định trước ngày 08/6/2022, trong khi đó theo quy định của Luật là 15 ngày).

- Việc rà soát xác định nội dung giao HĐND, UBND tỉnh quy định chi tiết vẫn chưa được thường xuyên, kịp thời dẫn đến việc ban hành văn bản giao quy định chi tiết chưa đầy đủ, kịp thời theo quy định. Trong việc lập danh mục quy định chi tiết, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng chưa thực sự chủ động phối hợp với Sở Tư pháp để thực hiện rà soát nội dung giao quy định chi tiết liên quan đến lĩnh vực quản lý. 

- Một số văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành còn có sai sót về nội dung thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Với những khó khăn,vướng mắc nêu trên, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy chính quyền cần nhận thức đúng vị trí, vai trò công tác xây dựng văn bản QPPL trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương, từ đó đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới./.

 Hải Giang

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN