Một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính

Thời gian qua công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chẳng hạn như: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xử lý VPHC tại một số đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chưa đồng bộ dẫn đến thực tiễn vẫn diễn ra nhiều hành vi vi phạm; công tác tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính chất lượng chưa cao, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tham mưu xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có trường hợp còn chưa đảm bảo chặt chẽ về căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục, biểu mẫu theo quy định... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng, thi hành pháp luật.

* Thứ nhất, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì "Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước". Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình chỉ quy định tổ chức bao gồm:

"Tổ chức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm:

a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;

b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

d) Đơn vị sự nghiệp;

đ) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

e) Tổ hợp tác."

Tuy nhiên, trong trường hợp lực lượng có thẩm quyền và phát hiện hành vi vi phạm hành chính của trường mầm non tư thục (do cá nhân thành lập) thì đối với hành vi trên sẽ xử phạt đối với tổ chức hay cá nhân là chưa có cơ sở, vì đối tượng có hành vi vi phạm hành chính không thuộc các trường hợp được liệt kê tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Trong khi đó, tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục quy định xử phạt đối với cơ sở giáo dục là tổ chức.

- Hiện nay tại mẫu biên bản vi phạm hành chính, mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP rất khó để thể hiện thông tin của các đối tượng là hộ kinh doanh, vì mẫu chỉ quy định thông tin của 02 đối tượng là tổ chức và cá nhân.

* Thứ hai, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

- Nội dung tại điểm đ khoản 4 Điều 9 điểm i khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cùng quy định hành vi “Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài nhưng có mức phạt khác nhau. Cụ thể tại điểm đ khoản 4 Điều 9 (mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng) và cả điểm i khoản 3 Điều 18 (mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng) gây nên sự chồng chéo khi áp dụng.

- Tại Điều 6 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục xử phạt hành chính đối với một số hành vi được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng "Khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3, các điểm b và c khoản 4, các điểm a và d khoản 5 Điều 7; các điểm b và c khoản 4 Điều 9; điểm a khoản 3, các điểm a và b khoản 4 Điều 10; điểm c khoản 2, khoản 5 Điều 11; điểm c khoản 3, các điểm b, đ và e khoản 5 Điều 12; điểm e khoản 3, các điểm a và b khoản 4 Điều 13; các điểm a, b, c và đ khoản 1, các điểm c, d và e khoản 2 Điều 15; điểm a khoản 3 Điều 16; điểm a khoản 4, điểm c khoản 6 và điểm a khoản 7 Điều 18; điểm đ khoản 2, khoản 4 Điều 19; khoản 3 Điều 21; khoản 2, khoản 3, các điểm b, c, d, đ và e khoản 5 Điều 23; điểm c khoản 4 Điều 26; khoản 2, các điểm b và d khoản 4, các điểm a và d khoản 5 Điều 28; khoản 4 Điều 32; điểm c khoản 5 Điều 34; điểm a khoản 2 Điều 50; điểm a khoản 4 Điều 51; khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 53 Nghị định này, thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính". Như vậy, theo quy định này thì khi phát hiện các hành vi thuộc trường hợp trên thì các cơ quan, người có thẩm quyền còn có những băn khoăn trong việc xác định phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hay khi "xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm" theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính mới chuyển cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, hành vi vi phạm quả tang, đã xác định được tính chất, mức độ vi phạm, xác định được giá trị tang vật thu giữ có liên quan không đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ví dụ: Hành vi Đánh bạc...vv). Do đó cần sửa đổi, bổ sung các quy định này để phù hợp đối với từng trường hợp vi phạm.

- Qua công tác quản lý, Công an các đơn vị, địa phương phát hiện một số đối tượng có hành vi “mua bán trái phép công cụ hỗ trợ”, “mua bán trái phép pháo hoa”, tuy nhiên Nghị định số 144/2021/NĐ-CP không quy định cụ thể về hai hành vi này nên việc áp dụng, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

* Thứ ba, Nghị định số 142/2021/NĐ-CP  ngày 31/12/2021 quy định về hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

 Tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP quy định Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành theo quy định tại Điều 84 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quyết định trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa có biểu mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính là song ngữ trong trường hợp áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

* Thứ  tư, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

 Tại điểm b khoản 3 Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định "Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt chưa tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong nội dung quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm bắt đầu tính hiệu lực thi hành của hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là kể từ thời điểm mà người vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ". Khi xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là "tước quyền sử dụng giấy phép lái xe". Tuy nhiên, trong thực tiễn xảy ra tình trạng người vi phạm cố tình không xuất trình giấy phép lái xe để tránh bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là "tước quyền sử dụng giấy phép lái xe". Do đó, đề nghị sửa quy định trên theo hướng khi xác minh người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe thì thực hiện việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe mà không nhất thiết phải xuất trình giấy phép lái xe.

Với những vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính toàn diện, hiệu quả hơn/.

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN