Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Ngày 17/11/2016, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Đấu giá tài sản, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Sau hơn 06 năm triển khai thực hiện, hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành cũng cho thấy, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ hạn chế do chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; quy định về chế tài chưa đủ mạnh, một số hành vi vi phạm nhưng không hủy được kết quả đấu giá; một số tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quy định về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản… không còn phù hợp với thực tiễn. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản qua nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh sửa đã giải quyết các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Về việc hành nghề đấu giá viên

Hiện nay, số lượng đấu giá viên kiêm nhiệm nghề khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khá nhiều (trong đó có luật sư). Tuy nhiên, hầu hết chỉ hoạt động đấu giá như một nghề “tay trái”, không ổn định, không tâm huyết, thường thay đổi nơi làm việc. Mặt khác, cùng với tiêu chí về số lượng và kinh nghiệm hành nghề của đấu giá viên quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/2/2022 hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, nhiều người hành nghề đấu giá theo hình thức “ghi danh” (được Sở Tư pháp cấp thẻ đấu giá viên nhưng thực tế không điều hành cuộc đấu giá nào) chỉ để doanh nghiệp đấu giá tài sản được chấm thêm điểm khi đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Do đó, để đảm bảo đấu giá viên hành nghề thực chất, đảm bảo tính ổn định, chuyên nghiệp, hiệu quả và sự phát triển của nghề đấu giá, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét quy định đấu giá viên không được kiêm nhiệm các nghề khác, đồng thời quy định chặt chẽ hơn nữa về trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá do không hành nghề trên thực tế.

Đồng thời, tại Khoản 5 Điều 17 Luật Đấu giá tài sản, đề nghị bổ sung quy định người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá không được cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá trong trường hợp bị kết án do có hành vi vi phạm hoạt động đấu giá tài sản.

 2. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9, Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 1 dự thảo Luật)

Dự thảo quy định cấm trường hợp: “Nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó”. Tuy nhiên, việc một người nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá trong 02 trường hợp nêu trên đều không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, cho dù với mục đích để trả giá hoặc không để trả giá. Mặt khác, việc cho phép nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá sẽ gây khó khăn cho quá trình xử lý nếu phát sinh trong trường hợp giá trả cao nhất bằng nhau và cần phải tổ chức đấu giá tiếp hoặc bốc thăm. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “để trả giá” trong nội dung nêu trên.

3. Về quy chế cuộc đấu giá (Điều 34, Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, Điều 1 dự thảo Luật)

Việc yêu cầu Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết Quy chế cuộc đấu giá tại tổ chức hành nghề đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và thông báo công khai trên cổng Đấu giá tài sản quốc gia cùng với việc thông báo công khai việc đấu giá quy định tại Điều 57 Luật này tại điểm d khoản 8 Điều 1 (sửa đổi khoản 3 Điều 34) đã dẫn đến cách hiểu là ngoài thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản (thông báo trên báo in hoặc báo hình). Yêu cầu này sẽ làm phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp đấu giá. Do đó, để có cách hiểu thống nhất về quy định này và tránh phát sinh những chi phí không đáng có cho doanh nghiệp, đề nghị xem xét sửa thành: “Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết Quy chế cuộc đấu giá tại tổ chức hành nghề đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và thông báo công khai trên cổng Đấu giá tài sản quốc gia”.

4. Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước (Điều 39, Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật)

Luật Đấu giá tài sản và dự thảo Luật quy định mức tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Tuy nhiên, đối với tài sản là quyền sử dụng đất (loại tài sản đấu giá chủ yếu ở địa phương), tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 lại xác định số tiền phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm.

Vì giá khởi điểm của các thửa đất đấu giá khác nhau nên việc xác định tiền đặt trước bằng một mức % giá khởi điểm có thể sẽ dẫn đến tình trạng lộ thông tin người tham gia đấu giá (qua các chứng từ nộp tiền đặt trước). Do đó, đối với tài sản là quyền sử dụng đất, để tránh lộ thông tin của người tham gia đấu giá, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép xác định tiền đặt trước cho các thửa đất có thể xác định ở một mức bằng nhau trong phạm vi quy định của Luật.

5. Về đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp (Điều 43, Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15, Điều 1 dự thảo Luật)

Tại điểm b quy định đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì ngay tại buổi công bố giá, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá”. Thực tế đã có trường hợp Đấu giá viên không đấu giá tiếp ngay sau khi công bố các phiếu trả giá (đối với tài sản có từ 02 người trở lên cùng giá trả cao nhất) mà dừng lại để công bố phiếu trả giá của các tài sản khác trong cuộc đấu giá rồi mới quay trở lại đấu giá tiếp. Cách thực hiện này đã tạo khoảng thời gian để người tham gia đấu giá thông đồng, dìm giá. Do đó, đề nghị quy định rõ việc đấu giá tiếp phải thực hiện liên tục, ngay sau khi công bố các phiếu trả giá cao nhất đối với tài sản đó.

          6. Về hình thức đấu giá (Điều 40 Luật Đấu giá tài sản)

Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau để tiến hành cuộc đấu giá”. Hướng dẫn thực hiện quy định này, Bộ Tư pháp văn bản số 678/BTTP-ĐGTS ngày 26/7/2017 và Văn bản số 603/BTTP-ĐGTS ngày 28/6/2019, theo đó: người có tài sản có thể căn cứ tình hình thực tiễn thỏa thuận với tổ chức đấu giá tài sản để quy định trong Quy chế cuộc đấu giá việc áp dụng hình thức bỏ phiếu gián tiếp và hình thức đấu giá trực tiếp cho vòng đấu thứ 2”. Đề nghị xem xét bổ sung hình thức kết hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tiếp là một trong các hình thức đấu giá tại Điều 40 Luật Đấu giá tài sản./.

          Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN