Nâng cao chất lượng Chương trình Pháp luật với đời sống trên sóng truyền hình Hà Tĩnh

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn là một trong những băn khoăn và nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cùng với sự phát triển của xã hội, yêu cầu đặt ra trong công tác này là phải làm sao thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, truyền tải được một cách dễ hiểu, chính xác các quy định pháp luật mà không gây ra sự nhàm chán cho người nghe, người xem.

Nhận thức được điều đó, thời gian qua Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Chương trình, đến nay đã hơn 15 năm, Chương trình được phát trực tiếp mỗi tháng 01 lần trên sóng Phát thanh - Truyền hình với thời lượng 15 phút và lựa chọn thời điểm phát sóng vào khung giờ nhiều người dân theo dõi, nội dung chương trình nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thiết thực đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân, phản ánh những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, là kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật sinh động, gần gũi, dễ tương tác với Nhân dân. Ngay từ khi mới thực hiện, Chương trình chỉ đơn thuần là hỏi đáp pháp luật, giải đáp thắc mắc của khán giả về những tình huống pháp luật. Đến nay, Chương trình ngày càng được nâng cao về chất lượng, chú trọng về nội dung, phong phú về hình thức, đi vào những tình huống pháp luật cụ thể phản ánh tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc phát sóng trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh, chương trình còn được đăng tải trên fanpage của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thu hút sự quan tâm của khán giả xem truyền hình.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Pháp luật và Đời sống trong thời gian tới cần tiếp tục sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp với Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh và các đơn vị, địa phương, sự phối hợp này là cần thiết vì hoạt động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục vừa đòi hỏi nghiệp vụ báo chí, vừa cần có kiến thức pháp luật và những điều kiện khác. Xây dựng các chương trình, kế hoạch phổ biến, nhằm cung cấp kiến thức pháp luật cho người dân một cách nhanh, kịp thời nhất, hình thành thói quen theo dõi pháp luật, xem đó là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Nội dung các chuyên trang, chuyên mục pháp luật cần được kết cấu chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu, thông tin pháp luật, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ người làm công tác quản lý, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, cộng tác viên đài truyền thanh cơ sở. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các Đài Phát thanh và Truyền hình, kịp thời động viên, khen thưởng những mô hình tốt, cách làm hiệu quả, những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.                                               

Hy vọng việc thực hiện hiệu quả các giải pháp nên trên, trong thời gian tới, chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” trên sóng truyền hình sẽ được nâng cao về chất lượng, chú trọng về nội dung, phong phú về hình thức, qua đó truyền tải kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng./.                                   

           Kim Oanh

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN