Sở Tư pháp tích cực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông

Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong giai đoạn 2009-2023, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về an toàn giao thông, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động góp phần tuyên truyền pháp luật về ATGT cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và hàng quý tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành hướng dẫn về công tác PBGDPL để các địa phương thực hiện, trong đó tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông là nội dung thường xuyên được chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương tập trung thực hiện. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch để thực hiện công tác này hàng năm trong đó xác định rõ các nội dung cần thực hiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của Sở, phân công cụ thể trách nhiệm của các Phòng, Trung tâm trong việc tổ chức thực hiện. Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông với Ban an toàn giao thông tỉnh. Trên cơ sở các Kế hoạch và bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh,  Ban ATGT tỉnh, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đã được Sở triển khai kịp thời, hiệu quả.

Đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, ngay từ đầu năm, tại hội nghị công chức, viên chức, Sở Tư pháp tổ chức ký cam kết đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đồng thời đưa nội dung chấp hành pháp luật về an toàn giao thông là một trong các tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đồng thời, từ năm 2009 đến nay Sở đã tổ chức 14 Hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Trong đó tập trung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và các quy định về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hàng năm không có công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

Từ năm 2009 đến nay Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng 14 chương trình “Pháp luật và đời sống” với nội dung phản ánh tình hình chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, phối hợp với văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức 11 Hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại cấp xã.  Việc xây dựng và in ấn tài liệu tuyên truyền pháp luật về giao thông được Sở chú trọng thực hiện, giai đoạn 2009- 2023 Sở đã xây dựng, cấp phát 500 đĩa CD tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để cấp xã sử dụng cho hệ thống loa truyền thanh cơ sở; 1.500 cuốn tài liệu về phòng, chống tác hại của rượu, bia;  5.000 cuốn tài liệu tuyên truyền “Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, 1.000 tờ gấp. “Giới thiệu quy định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông”, 4.000 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, 3.000 cuốn Sổ tay pháp luật cho thanh thiếu niên trong đó có nội dung về an toàn giao thông, 4.000 cuốn tài liệu “Một số quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và an toàn giao thông ”, … Bên cạnh đó, mỗi năm Sở xuất bản 2.000 cuốn Bản tin Tư pháp với nhiều tin, bài tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông… Các tài liệu này được cấp phát miễn phí đến tận cơ sở và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để đội ngũ này sử dụng, khai thác phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đã được Sở chú trọng thực hiện. Sở đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, trong đó có 3 cuộc thi có nội dung liên quan đến an toàn giao thông. Cụ thể: Năm 2020, Sở Tư pháp hướng dẫn tham gia cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” do Bộ Tư pháp tổ chức, trong đó Sở Tư pháp đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp bố trí địa điểm và tổ chức vòng thi chung kết tại tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc thi này có nhiều kiến thức pháp luật liên quan đến học sinh, sinh viên, đặc biệt là lĩnh vực an toàn giao thông. Kết thúc cuộc thi, Hà Tĩnh có 19.065 thí sinh tham gia thi,  là 01 trong 05 tỉnh có số lượng thí sinh tham gia đông nhất cả nước. Năm 2021, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông và Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi trực tuyến Thanh niên với pháp luật. Trong ngân hàng câu hỏi của Cuộc thi có nhiều câu hỏi pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là quy định về xử phạt các hành vi vi phạm thường gặp. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của gần 50 nghìn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong đó bộ câu hỏi tập trung giới thiệu các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nghị định quy định việc xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực thường gặp, trong đó có an toàn giao thông. Cuộc thi thu hút 45.947 người tham gia thi với 70.228 lượt thi.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT cũng được thực hiện có hiệu quả thông qua Cổng thông tin điện tử của Sở. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, Cổng thông tin của Sở được nâng cấp, xây dựng một chuyên mục riêng về PBGDPL, trung bình đăng tải khoảng 1.000 tin, bài/năm, trong đó có nhiều tin, bài về an toàn giao thông. Các đề cương và tài liệu PBGDPL về ATGT được Sở đăng tải trên Cổng thông tin điện tử để các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác, vận dụng.

Hằng năm, Sở tổ chức các Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân trong các nhà trường nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này, thông qua đội ngũ này để tích cực tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về ATGT nói riêng đến cán bộ, Nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, Sở Tư pháp thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai công tác PBGDPL về an toàn giao thông. Qua theo dõi của Sở Tư pháp, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông được triển khai thực hiện, thường xuyên, đa dạng về hình thức, nội dung. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 5.641 buổi tuyên truyền, với 4.277.534 lượt người tham gia; tổ chức hơn 21 hội thi bằng hình thức sân khấu hóa; in ấn và cấp phát 261.000 cuốn tài liệu, cấp phát 799.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền, thực hiện hơn 9.282 tin, bài, 2.329  tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trên fanpage trang mạng xã hội Facebook, thu âm chuyên đề truyền thanh, phát hành hơn 3.025 đĩa CD tuyên truyền, phát thanh gần 8.216 lượt trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức cấp phát hơn 144.901 mũ bảo hiểm cho các trường học; tổ chức thăm hỏi động viên hơn 2.100 trường hợp nạn nhân, gia đình nạn nhân gặp hoàn cảnh khó khăn do tai nạn giao thông. Hàng năm, Tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật ATGT cho các bộ công chức người lao động, học sinh sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ hơn 95%. Đáng chú ý đã có nhiều cách làm mới, mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông như: Mô hình cổng trường ATGT, Mô hình ký cam kết về ATGT, chấm điểm thi đua đối với các dòng họ trong việc chấp hành pháp luật về ATGT. Phối hợp với các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp trao tặng mũ bảo hiểm.  Mô hình Tổ giám sát, chấn chỉnh tình trạng thanh thiếu nhi vi phạm pháp luật ATGT thông qua Chương trình “Camera giấu kín”. Đưa nội dung chấp hành pháp luật ATGT vào trong huơng ước của thôn, xóm để làm căn cứ nhắc nhở, giáo dục người dân nghiêm túc chấp hành luật ATGT…

Có thể nói, Công tác PBGDPL về ATGT đã được thực hiện nghiêm túc, vừa đảm bảo tuyên truyền kịp thời, thường xuyên cho công chức, viên chức, người lao động trong ngành, vừa hướng mạnh công tác này đến tận cơ sở. Nội dung triển khai đảm bảo bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của Ban An toàn giao thông tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trong từng thời điểm; hình thức triển khai đa dạng và phong phú, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp pháp luật về ATGT của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, ngoài Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì một số văn bản chuyên ngành cũng có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số chồng chéo, vướng mắc cụ thể:
Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. So với quy định hiện nay, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
Năm 2023 với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Công tác cải cách hành chính được các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện nghiêm túc và kết quả của hoạt động này được đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế và Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, kết quả chấm điểm cải cách hành chính năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC đối với cấp sở, UBND cấp huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC của UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật gồm 16 chương và 260 điều (tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013) với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Vừa qua, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý. Đối với dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong giai đoạn 2009-2023, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về an toàn giao thông, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động góp phần tuyên truyền pháp luật về ATGT cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.