Tăng cường hoạt động đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.

 

 Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính thì ở địa phương thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, theo quy định của Nghị định này thì chỉ có UBND tỉnh mới quy định về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đến Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính đã sửa đổi quy định này theo hướng “Thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

          Trước đây, thực hiện quy định trên thì UBND tỉnh vẫn quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính đã thực hiện tổ chức đánh giá tác động của quy định về thủ tục hành chính theo theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Việc đánh giá thủ tục hành chính cơ bản đã đi vào nề nếp, được cơ quan soạn thảo thực hiện tương đối nghiêm túc theo quy định. Các văn bản có quy định thủ tục hành chính đều được cơ quan soạn thảo đánh giá trong giai đoạn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thành trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định.

          Nhưng đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tại điều 14 quy định về các hành vi bị cấm trong đó có hành vi “Quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật”. Do đó, thời gian từ 2016-2020 địa phương vướng mắc trong thực hiện quy định này. Bởi vì, thưc tiễn trong một số trường hợp vẫn cần thiết phải có thủ tục hành chính để thực hiện. HĐND tỉnh ban hành một số Nghị quyết quy định về chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc cấm quy định thủ tục hành chính trong Nghị quyết của HĐND tỉnh dẫn đến vướng mắc đó là nếu thực hiện quy định này thì khi chính sách được ban hành lại không có các thủ tục hành chính để thực hiện. Vì vậy, trong giai đoạn không có các văn bản quy phạm pháp luật nào của HĐND, UBND được ban hành có quy định về thủ tục hành chính nên nhiệm vụ đánh giá tác động của thủ tục hành chính không được triển khai thực hiện. Cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh bị hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ này do không được thực hành trong thực tiễn.

          Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn quy phạm pháp luật đã sữa đổi theo hướng trường hợp cần thiết thì đối với Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật (Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) được phép quy định thủ tục hành chính. Thực hiện quy định này, thời gian qua HĐND tỉnh đã ban hành các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao và du lịch,…Tuy nhiên, việc cơ quan soạn thảo thực hiên đánh giá tác động thủ tục hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân như đã nêu ở trên.

          Thời gian tới, các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL có quy định thủ tục hành chính cần tăng cường hoạt động đánh giá tác động của thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP) qua đó đảm bảo cho các thủ tục hành chính sau khi được ban hành đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiếu các chi phí phát sinh trong người dân khi thực hiện thủ tục hành chính./.

 

 Hải Giang

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN