Thực tiễn và quy đinh pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em

Kim Oanh

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Ngày nay các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”. Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã nâng lên thành đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em: “Mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển” và trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, của toàn xã hội và của mỗi gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian vừa qua còn rất nhiều hoàn cảnh trẻ em đáng thương chưa được bảo vệ, những vụ việc liên quan đến xâm  phạm, hành hạ trẻ em gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, tháng 12/2021 một vụ ẩu đả giữa 1 nhóm học sinh đã dẫn đến cái chết của 1 học sinh lớp 9, sinh năm 2007 ở Thị xã Kỳ Anh. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định được có tất cả 18 em liên quan, theo đó, 11 học sinh lớp 8 tham gia đánh 7 học sinh lớp 9. Ngày 14/4/2022, Công an Thị xã Kỳ Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Cố ý gây thương tích” đối với một trường hợp trong số gần 20 em học sinh, bởi đây là trường hợp duy nhất đủ tuổi khởi tố (tức là đủ 14 tuổi). Như vậy, đây là một vụ án mà bên gây án và bên bị hại đều có liên quan đến trẻ em, là chủ thể được pháp luật bảo vệ “đặc biệt”. Theo đó, từ công tác điều tra, xét xử đều phải đảm bảo những trình tự nhất định để đảm bảo quyền trẻ em theo luật định.

Trao đổi về nội dung trên của đồng chí thượng tá Nguyễn Đình Hoàng - Phó Trưởng công an Thị xã Kỳ Anh cho biết: Đối với những trường hợp chưa đủ tuổi khởi tố theo quy định sẽ áp dụng phương pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy đinh chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nghị định quy định rõ đối tượng và thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Đối với Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý thì thời hiệu là 1 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm”. Từ đây các địa phương cần có trách nhiệm giúp đỡ các em nhận thức sai lầm và có các biện pháp giáo dục phù hợp.

Đặc biệt, thời gian gần đây, một vụ việc liên quan đến xâm phạm thân thể trẻ em tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng đã bị khởi tố. Theo đó ngày 26/4/2022, Công an thị trấn Thiên Cầm nhận được thông tin từ quần chúng Nhân dân về vụ việc cháu bé đang học mầm non có biểu hiện bị bạo hành, đánh đập dẫn đến chấn thương vùng đầu, lưng, bụng, chân và người bị bầm tím. Quá trình điều tra cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 185 Bộ luật Hình sự. Điều đáng nói là đối tượng có hành vi hành hạ đứa trẻ 4 tuổi lại là dì ruột và nguyên nhân được đưa ra là do bé lười ăn nên đã đánh cháu.

Từ vụ việc trên cũng cho thấy mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của mình tránh sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến các hành vi xâm phạm thân thể trẻ em. Việc đánh trẻ em với các lý do như: Đánh để dạy dỗ, đánh vì lười ăn hay lười học đều có nguy cơ xâm hại đến trẻ. Và có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự. Luật trẻ em 2016 quy định rõ quyền của trẻ em, ví dụ như: quyền được sống, được học tập,được chăm sóc, được vui chơi..v.v. Tại Điều 7 Luật Trẻ em 2016 cũng nghiêm cấm các hành vi như: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em... Và rất nhiều những quy định khác để đảm bảo trẻ em được pháp luật bảo vệ một cách toàn diện.

Bất kỳ hành động xâm phạm đến trẻ em đều có thể bị xử phạt và là tình tiết tăng nặng trong các vụ việc hình sự nếu có. Bên cạnh đó người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc tố giác các hành vi xâm phạm trẻ em. Đơn cử như vụ việc dì ruột hành hạ cháu bé 4 tuổi ở Cẩm Xuyên, nếu không có tin báo thì thực tế cơ quan công an khó lòng nắm bắt và nguy cơ cháu bé có thể bị đánh đập nhiều lần sau đó rất có thể xảy ra.

Hiện các quy định của Pháp luật Việt Nam rất chú trọng đến việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế những vụ việc xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra, thậm chí nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, để lại nhiều bức xúc trong dư luận. Như vụ việc hành hạ cháu bé dẫn đến hậu quả chết người tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 2/2022 hay đóng đinh vào đầu trẻ dẫn đến tử vong vào tháng 3/2022 ở thành phố Hà Nội và rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em đã từng được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.…Nhiều đối tượng đã phải đối diện với sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên điều đáng nói, những vụ việc đã để lại hậu quả nghiêm trọng thì mới bị phát hiện. Cũng có nghĩa nhiều trẻ em đã bị đánh đập, hành hạ, đối xử bất công từ trước nhưng đến khi có hậu quả nghiêm trọng mới được phát hiện, xử lý. Dẫn đến tình trạng, nhiều trẻ em đã bị bạo hành và phải âm thầm chịu đựng sự hành hạ thể xác lẫn tinh thần trong một thời gian dài. Từ đây cho thấy, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư cần quan tâm, sát sao hơn nữa đến trẻ em, qua đó kịp thời phát hiện cũng như tin báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu có những nghi ngờ liên quan đến xâm phạm trẻ em.

          Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay có 2.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 30.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, sống trong các hộ nghèo và cận nghèo. Do vậy việc quan tâm đến các đối tượng trẻ em này cần được thực hiện thường xuyên hơn. Bởi thực tế cho thấy những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu  sự chăm sóc rất dễ là đối tượng bị lợi dụng hoặc bị xâm hại.

Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề: “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, hướng tới phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, bóc lột để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện, nhiều hoạt động nói chuyện, tuyên truyền Luật Trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, xâm hại, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em đã được tích cực triển khai. Đồng thời, tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm, các lớp hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống; triển khai diễn đàn để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình.... Đặc biệt, 6 tháng đầu năm Quỹ Bảo trợ trẻ em đã huy động được số tiền 6 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 5000 lượt trẻ em hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh. Nhiều hoạt động hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị các loại khuyết tật tim bẩm sinh; hở vòm miệng đã được huy động từ nguồn quỹ trẻ em….

Với những việc làm thiết thực hiệu quả cao của các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân và toàn xã hội tiếp tục thể hiện sự chung tay, góp sức và hãy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hưởng ứng tích cực tháng hành động vì trẻ em với tinh thần “Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững”./.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, ngoài Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì một số văn bản chuyên ngành cũng có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số chồng chéo, vướng mắc cụ thể:
Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. So với quy định hiện nay, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
Năm 2023 với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Công tác cải cách hành chính được các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện nghiêm túc và kết quả của hoạt động này được đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế và Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, kết quả chấm điểm cải cách hành chính năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC đối với cấp sở, UBND cấp huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC của UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật gồm 16 chương và 260 điều (tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013) với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Vừa qua, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý. Đối với dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong giai đoạn 2009-2023, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về an toàn giao thông, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động góp phần tuyên truyền pháp luật về ATGT cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.