Tình hình thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15 và một số vấn đề cần đặt ra

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã xác định mục tiêu tổng quát “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng…”. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật. Do đó, ngày 19/02/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Để triển khai thi hành Nghị quyết số 190/2025/QH15, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 14/3/2025, trong đó giao các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Việc triển khai Nghị quyết được các đơn vị, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo yêu cầu trong công tác quản lý hành chính nhà nước của địa phương trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, các sở, ngành thuộc diện sáp nhập, tiếp nhận nhiệm vụ mới đã xây dựng Đề án, kế hoạch kiện toàn đơn vị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy từ các đơn vị khác. Đã trình UBND tỉnh ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần, làm cơ sở cho việc triển khai các nhiệm vụ sau sắp xếp. Trình UBND tỉnh ban hành các quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc và ban hành các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện tiếp nhận và bố trí công tác cho các công chức, viên chức và hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP từ các đơn vị bị sáp nhập, chuyển giao nhiệm vụ. Các thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và thực hiện giải quyết, đảm bảo theo quy định.

Ở các huyện, thành phố, thị xã, đã ban hành Nghị quyết về thành lập, giải thể và tổ chức lại các cơ quan chuyên môn; thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn của UBND theo quy định. Số lượng các phòng, các Trưởng phòng sau sắp xếp đã giảm hơn so với trước. Sau khi hoàn thành sắp xếp, các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ theo quy định, không gián đoạn. UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành các quyết định quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn theo Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Các phòng chuyên môn cấp huyện cũng đã thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết hồ sơ, TTHC được duy trì đảm bảo, có sự chuyển giao trong giải quyết TTHC, không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ, không thực hiện lại các bước trong TTHC đã thực hiện trước khi sắp xếp.

Thời gian tới, theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì định hướng không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ có thêm nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện chủ trương. Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất bổ sung các nội dung để xử lý những vấn đề này vào Nghị quyết số 190/2025/QH15 là rất cần thiết. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, xin đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)

- Trong thời gian qua, HĐND, UBND cấp huyện đã ban hành một số văn bản QPPL theo thẩm quyền. Do đó, khi thực hiện chủ trương bỏ chính quyền cấp huyện, đề nghị quy định việc giải quyết các văn bản QPPL cấp huyện đã ban hành.

- Thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, chính quyền địa phương cấp xã trên địa bàn các tỉnh đã ban hành các văn bản QPPL để quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo chủ trương về sáp nhập cấp xã thì khi sáp nhập nhiều xã lại với nhau sẽ tồn tại nhiều văn bản QPPL của các xã trước sáp nhập, trong khi đó Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025 quy định cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL. Do đó, đề nghị bổ sung quy định để giải quyết các văn bản QPPL của cấp xã đã ban hành trong trường hợp này.

Thứ hai, đối với lĩnh vực tổ chức bộ máy

- Đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung quy định chuyển tiếp về phê duyệt vị trí việc làm để đảm bảo tính kịp thời trong quy định nhằm triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đảm bảo cho việc vận hành các đơn vị mới sau sắp xếp. Trường hợp sau sắp xếp mà vị trí việc làm có thay đổi thì cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt vị trí việc làm sau sắp xếp đảm bảo phù hợp quy định trong các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.

- Trong giai đoạn chuyển tiếp này, để tránh các vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp thành chính quyền 02 cấp, đề nghị quy định về hướng xử lý các TTHC do cấp huyện tiếp nhận, giải quyết sẽ do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hay cấp xã (sau sáp nhập) thực hiện.

- Để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đề xuất nghiên cứu phương án quản lý nhà nước đối với cấp xã sau khi bỏ chính quyền cấp huyện.

Thứ ba, đối với công tác xử lý vi phạm hành chính

Đề nghị tiếp tục bổ sung nội dung định hướng giải quyết cho phù hợp với thực tiễn không tổ chức cấp huyện.

Thứ tư, đối với lĩnh vực tài chính ngân sách, quản lý tài sản công

- Theo quy định của Luật Đầu tư công, khi phê duyệt dự án đầu tư công phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện. Đối với một số dự án giao UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án thì nguồn vốn thực hiện được cân đối một phần từ ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã. Do vậy, trong trường hợp không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã thì nguồn vốn nêu trên chưa xác định được phương án cân đối, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

- Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa có quy định về việc thay đổi cơ quan quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các chương trình, dự án đầu tư công do cấp huyện quyết định đầu tư và trách nhiệm xử lý các vấn đề có liên quan.

Thời gian tới, trong điều kiện định hướng không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) như đã nêu tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 190/2025/QH15 theo hướng quy định thêm những vấn đề cần xử lý trong giai đoạn chuyển tiếp, làm cơ sở cho việc triển khai các nhiệm vụ khi chính quyền cấp huyện không còn tồn tại./.

Kim Lân

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN