Vai trò giám sát của người có tài sản trong hoạt động đấu giá tài sản

Giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá là một trong các quyền của người có tài sản được quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người có tài sản trong việc giám sát quá trình đấu giá tuân theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản, nhất là tài sản nhà nước. Qua thực tiễn cho thấy, việc giám sát của người có tài sản có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản.

          Trước đây, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP không quy định về quyền, trách nhiệm giám sát của người có tài sản. Đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, Thông tư số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, việc giám sát chỉ được quy định giới hạn tại cuộc đấu giá. Theo đó, đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Tùy từng trường hợp cụ thể, đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất phối hợp với đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá mời đại diện cơ quan tài nguyên và môi trường, tư pháp, tài chính, chính quyền địa phương nơi có đất bán đấu giá và đại diện tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tham dự, giám sát thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất.

          Hiện nay, Luật Đấu giá tài sản quy định người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, từ sau khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trước tiên là giám sát việc thông báo, niêm yết công khai việc đấu giá, quy chế cuộc đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản nhằm đảm bảo việc đấu giá được thông báo công khai, rộng rãi, đầy đủ, đúng nội dung theo quy định và theo yêu cầu của người có tài sản; qua đó thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, đảm bảo đúng bản chất của việc đấu giá tài sản. Tiếp theo là giám sát việc thực hiện quy chế cuộc đấu giá; trình tự điều hành, thực hiện cuộc đấu giá, nhất là giai đoạn mở hòm phiếu, kiểm phiếu trả giá, điều kiện của người tham gia đấu giá, công bố phiếu trả giá trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp. Hoạt động giám sát cần được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, nhằm đảm bảo việc tổ chức đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật, tránh các tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản, nhất là tài sản công.

          Đánh giá vai trò hết sức quan trọng của hoạt động giám sát, trong Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo người có tài sản bán đấu giá trong việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tăng cường các đoàn theo dõi, giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá tài sản, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất.

          Tại tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất và đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó quy định đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm cử hoặc đề nghị cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất. Các thành viên giám sát có trách nhiệm giám sát việc thực hiện cuộc đấu giá, nắm bắt tình hình, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cuộc đấu giá. Trong trường hợp xét thấy cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch của cuộc đấu giá, đơn vị tổ chức thực hiện cuộc đấu giá đề xuất Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc lắp đặt camera tại địa điểm diễn ra cuộc đấu giá.

          Như vậy, về phía người có tài sản, bên cạnh việc lựa chọn tổ chức đấu giá thì giám sát là một trong những công tác quan trọng nhất nhằm đảm bảo thực hiện hoạt động đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, người có tài sản sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa vai trò giám sát của mình để góp phần kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt đối với tài sản công.

                                                                                                     Hạnh Ngân

 TIN TỨC LIÊN QUAN