Việc áp dụng quy định về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn

Việc quy định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các chính sách áp dụng cho các vùng này thể hiện tính nhân văn cao của Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được quy định trong các văn bản pháp luật như pháp luật đầu tư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi, danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Do đó, để xác định một chính sách nào đó được áp dụng với vùng (xã) đặc biệt khó khăn nào cần phải căn cứ vào mục đích, nội dung cụ thể của chính sách.

Trong lĩnh vực đầu tư, Luật Đầu tư năm 2020 quy định dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định. Theo đó, tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã ban hành danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Phụ lục III) để áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư. 

Trong lĩnh vực đất đai, tại điểm h khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp“Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở” thì không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất. Luật Đất đai năm 2013 chưa thể hiện rõ cách xác định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong quy định về miễn tiền sử dụng đất tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và quy định miễn tiền thuê đất tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP đã có sự phân định việc áp dụng vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cho trường hợp liên quan đến giao đất ở và trường hợp có dự án đầu tư. Theo đó, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở thì thực hiện theo Danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định và khoản 3 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án thì thực hiện theo Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.  

Như vậy, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan được áp dụng để giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. Còn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được áp dụng khi xem xét giao đất, cho thuê đất cho dự án đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 118 và điểm a khoản 1 Điều 110 của Luật Đất đai năm 2013.

Trong lĩnh vực nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này quy định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ngoài huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1 chỉ có các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn và các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là một số trường hợp áp dụng quy định về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Các cơ quan cũng như công chức tham mưu cần lưu ý để việc áp dụng quy định này đảm bảo chính xác, hiệu quả./.

                                                                Kim Khánh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN