Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định. Thông qua hoạt động này các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp được phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý qua đó góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật.

Xác định công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đẩy mạnh thực hiện trong công tác tư pháp nói chung và công tác cải cách thể chế nói riêng, thời quan qua, thực hiện Luật Ban hành hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, Kế hoạch của Bộ Tư pháp, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tìm ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đối với công tác này. Nhờ thế công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các cơ quan trung ương cũng như tình hình thực tiễn của địa phương.

Để nâng cao chất lượng công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đưa nội dung rà soát văn bản QPPL vào Kế hoạch công tác tư pháp hàng năm; chỉ đạo Sở Tư pháp hướng dẫn cụ thể về cách thức, nội dung thực hiện để các đơn vị, địa phương nắm rõ và triển khai thực hiện. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương đổi mới mạnh mẽ phương thức thực hiện theo hướng chất lượng, thực chất hơn và đạt được kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức rà soát văn bản của HĐND, UBND tỉnh ban hành trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023. Qua đó, xác định có 41 văn bản QPPL do HĐND và HĐND tỉnh ban hành hết hiệu lực toàn bộ và 23 văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực một phần (số lượng văn bản hết hiệu lực toàn bộ giảm 12 văn bản, văn bản hết hiệu lực một phần tăng 05 văn bản so với cùng thời điểm năm 2023); không có văn bản nào ngưng hiệu lực toàn bộ, ngưng hiệu lực một phần. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-UBND ngày 31/01/2024 của UBND tỉnh công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh hết hiệu lực thi hành. Đồng thời, thực hiện việc rà soát các một số lĩnh vực như: Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quy định pháp luật về căn cước, lực lượng tham gia bảo vệ cơ sở, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến giao dịch điện tử,… Kết quả rà soát cho thấy cơ bản văn bản QPPL Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với quy định, một số văn bản chưa phù hợp đã được kịp thời sửa đổi, bổ sung bãi bỏ, ban hành mới hoặc công bố hết hiệu lực nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu và áp dụng văn bản.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác rà soát văn bản QPPL còn một số hạn chế nhất định, cụ thể:

- Theo quy định thì việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát, tức là sau khi các văn bản QPPL của Trung ương (Luật, Nghị định, Thông tư,…) được ban hành thì các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải thực hiện rà soát các văn bản QPPL do đơn vị tham mưu ban hành hoặc ban hành có liên quan đến nội dung của văn bản Trung ương để xét sự phù hợp của văn bản được rà soát với căn cứ rà soát. Tuy nhiên, một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương vẫn còn chưa có sự thường xuyên, chủ động công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến mặc dù văn bản của Trương ban hành khá lâu nhưng một số văn bản của cấp tỉnh, huyện, xã vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với văn bản của Trung ương.

- Vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện việc rà soát xác định văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực được đưa vào danh mục để công bố định kỳ hằng năm, có trường hợp chỉ sau khi có văn bản yêu cầu của Sở Tư pháp mới thực hiện hoặc chậm thực hiện theo thời hạn quy định (theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 14/5/2016 của Chính phủ thì nhiệm vụ này được thực hiện trước ngày 31/01 hàng năm).

- Một số đơn vị thực hiện rà soát chưa còn hình thức, lúng túng trong cách thức triển khai thực hiện nên chất lượng chưa cao. Theo đó, việc rà soát chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc xác định hiệu lực của văn bản mà chưa phát hiện được nội dung trái pháp luật, không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo; biểu mẫu rà soát còn chưa phù hợp với quy định; xác định sai thời điểm hết hiệu lực hoặc cũng có trường hợp văn bản đã được công bố hết hiệu lực nhưng tiếp tục được đưa vào danh mục rà soát xác định văn bản hết hiệu lực.   

- Việc thực hiện trách nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan còn chưa đầy đủ theo quy định, kết quả rà soát văn bản và một số nguyên nhân đã được chỉ ra tại các báo cáo rà soát vẫn được kịp thời xử lý                                                                                                                                                             triệt để.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế là việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được các sở, ban, ngành và địa phương xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động thực hiện khi có căn cứ rà soát; nhận thức của chủ thể thực hiện và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức thi hành pháp luật một số trường hợp chưa bảo đảm liên thông, chặt chẽ, kịp thời; hệ thống văn bản pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành với số lượng tương đối lớn do nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nên dẫn đến số lượng, số lượt văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát thường xuyên là rất lớn trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác này còn thiếu, một bộ phận đội ngũ cán bộ còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nguồn lực đầu tư cho công tác tác rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát rà soát văn bản quy phạm pháp luật, thời gian tới các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác rà soát văn bản QPPL. Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc, rà soát văn bản QPPL; gắn kết các hoạt động rà soát văn bản QPPL, với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống văn bản pháp luật.

- Thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác, rà soát văn bản; chú trọng việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các công tác rà soát văn bản QPPL thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để kịp thời giải quyết, chấn chỉnh vướng mắc, bất cập, hạn chế.

- Thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực, địa bàn gắn với yêu cầu, giải pháp của UBND tỉnh về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.

- Thực hiện việc rà soát, cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015, để phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thuận tiện trong tra cứu, sử dụng văn bản QPPL, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

- Rà soát, củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp, đảm bảo đủ năng lực tham mưu xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ pháp chế theo đúng quy định nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo đảm nguồn lực về kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

- Tăng cường hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó,chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng - nghiệp vụ liên quan đến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị và tại địa phương phù hợp với yêu cầu công tác.

Có thể nói công tác rà soát văn bản QPPL có vai trò quan trọng việc xây dựng một hệ thống văn bản QPPL đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ban ngành và địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để công tác này đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới./.

                                                                                                   Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với mọi người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mang tính thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp của tất cả các cơ quan, tổ chức nhằm làm tăng thêm tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân, tạo cho mọi người dân có ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật có hiệu quả.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định. Thông qua hoạt động này các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp được phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý qua đó góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật.
Tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” đã khẳng định: Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm bám sát mục tiêu Đề án.
Xác định số hóa sổ hộ tịch là nhiệm vụ rất quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo phương pháp truyền thống trước đây. Với tầm quan trọng của công tác này, Hà Tĩnh đã tập trung cao độ cho việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn, thực hiện nhanh, đúng, có hiệu quả các kế hoạch của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh đã đề ra, tạo tiền đề để hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1143/QĐ-BTP trong đó có hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong các bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới. Trước đó nhiệm vụ này được thực hiện theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Những điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP so với Quyết định số 1723/QĐ-BTP được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Quyết định này:
Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ cùng các chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.