Tìm hiểu về Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là một trong những loại hợp đồng dân sự thông dụng trong đời sống xã hội. Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”

Khác với hợp đồng mua bán tài sản, giữa hai bên giao kết hợp đồng tặng cho tài sản thông thường có mối quan hệ tình cảm nhất định (không nhất thiết phải có quan hệ ruột thịt, huyết thống).

Thực tiễn hoạt động công chứng, đối với hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản thì các bên giao kết thường có quan hệ huyết thống, tình cảm như: Vợ/chồng cho nhau; Ông, bà cho cháu; bố mẹ cho con và ngược lại; anh chị em ruột cho nhau (đây cũng là đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau).

Qua định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể khái quát về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản như sau:

Thứ nhất, hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng liên quan chuyển quyền sở hữu tài sản.

Đối với hợp đồng tặng cho tài sản, nghĩa vụ của người tặng cho tài sản không chỉ dừng lại ở việc người tặng cho phải bàn giao tài sản cho bên được tặng cho mà người tặng cho còn có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản đó sang cho người được tặng cho. Không chỉ có vậy, hợp đồng tặng cho tài sản còn là căn cứ làm phát sinh quyển sở hữu riêng của một người đối với một tài sản (Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014) khi người đó được tặng cho riêng tài sản; từ đó sẽ là căn cứ pháp lý để cho một người xác lập quyền định đoạt riêng đối với một tài sản.

Thứ hai, việc chuyển quyền sở hữu tài sản này không có đền bù.

Đối với hợp đồng mua bán tài sản, để được nhận chuyển quyền sở hữu tài sản, bên mua có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên bán một khoả n tiền; nói cách khác, đây chính là một khoản lợi ích mà bên mua phải trả cho bên bán để bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản của mình sang cho bên mua. Không giống như vậy, việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ người tặng cho sang người được tặng cho trong hợp đồng tặng cho tài sản, người tặng cho không có quyền yêu cầu và người được tặng cho cũng không có nghĩa vụ phải trả cho người tặng cho bất kỳ một khoản lợi ích vật chất nào cho dù bằng tiền hay bằng vật.

Thứ ba, hợp đồng tặng cho tài sản chỉ mang lại quyền lợi cho một bên (người được tặng cho) tuy nhiên trong hợp đồng tặng cho tài sản bắt buộc phải có hai bên.

Điều đó có nghĩa là việc cho và nhận tài sản phải được sự bàn bạc, thống nhất ý chí của cả bên tặng cho lẫn bên được tặng cho. Nó được thể hiện ở chỗ bên được tặng cho có quyền từ chối không nhận tài sản mà mình được tặng cho hoặc nếu có đồng ý nhận tài sản thì bên được tặng cho cũng phải thể hiện sự đồng ý của mình;

Thứ tư, hợp đồng tặng cho có thể có điều kiện hoặc không có điều kiện. Khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự quy định: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho”.

Nếu trong hợp đồng tặng cho có điều kiện thì chúng ta phải hiểu rằng “nghĩa vụ” mà bên được tặng cho phải thực hiện theo yêu cầu của bên tặng cho chính là điều kiện để bên tặng cho chuyển giao quyền sở hữu cho bên được tặng cho. “Điều kiện” này hoàn toàn có thể được thực hiện trước hoặc sau khi bên tặng cho chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho, việc này phụ thuộc vào ý chí của bên tặng cho tài sản. Trong trường hợp bên được tặng cho phải thực hiện “điều kiện” trước khi được tặng cho tài sản và đã thực hiện xong “điều kiện” đó, thì bên được tặng cho có quyền yêu cầu bên tặng cho phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho mình hoặc bên tặng cho phải trả thù lao cho công việc mà mình đã thực hiện (khoản 2 Điều 462 Bộ luật Dân sự); trong trường hợp “điều kiện” có thể được thực hiện sau khi tặng cho tài sản, thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản nếu bên được tặng cho không thực hiện hoặc thực hiện không đúng “điều kiện” đó (khoản 3 Điều 462 Bộ luật Dân sự).

Hiểu đúng bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản, nhất là trường hợp tặng cho có điều kiện sẽ giúp cho các bên có thể lựa chọn đúng đắn trước khi giao kết hợp đồng, tránh những sai sót, tranh chấp xảy ra./.

Trần Thị Trà Giang - Phòng Công chứng số 2

 TIN TỨC LIÊN QUAN